Sự cần thiết xây dựng Chiến lược
Ngày 05 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1216/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra các định hướng toàn diện, tổng thể về bảo vệ môi trường (BVMT) của đất nước. Thực hiện Chiến lược, công tác BVMT thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức về BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ; BVMT ngày càng được coi trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội; Chính phủ kiên quyết không đánh đổi môi trường vì tăng trưởng kinh tế. Hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT tiếp tục được hoàn thiện; tổ chức bộ máy về quản lý nhà nước trong BVMT tiếp tục được kiện toàn. Chi ngân sách cho sự nghiệp BVMT tăng dần qua các năm; hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về BVMT tiếp tục được đẩy mạnh. Vấn đề môi trường ở các khu công nghiệp cơ bản được giải quyết, vệ sinh môi trường nông thôn có bước cải thiện. Rừng ngập mặn từng bước được phục hồi, công tác xử lý các điểm tồn lưu dioxin có nhiều tiến triển, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch được tăng lên. Công tác bảo vệ và phát triển rừng, các khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều kết quả; việc bảo tồn loài và nguồn gen tiếp tục được quan tâm; an toàn sinh học cơ bản được kiểm soát. Nhận thức về biến đổi khí hậu được nâng lên; năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) từng bước được xây dựng. Xu hướng suy thoái, ô nhiễm môi trường, nhìn chung, từng bước được kiềm chế.
Tuy nhiên, từ thực tiễn phát triển đất nước, đối chiếu với mục tiêu của Chiến lược đề ra, công tác BVMT vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu. Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lúc đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, cụ thể là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước mặt ở các đô thị, ở các làng nghề, lưu vực sông. Công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa đạt yêu cầu, ô nhiễm chất thải nhựa đang là vấn đề bức xúc. Nhiều sự cố môi trường xảy ra trong thời gian qua, trong đó có một số sự cố nghiêm trọng, tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm.
Nguyên nhân khách quan của những tồn tại nêu trên là do sự gia tăng dân số, mô hình tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; trình độ công nghệ sản xuất còn lạc hậu đang tạo áp lực lớn trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT còn yếu kém, không theo kịp yêu cầu. BĐKH diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, gây ra nhiều tác động lớn đối với tài nguyên môi trường. Về chủ quan, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của môi trường trong phát triển chưa thật đúng và đầy đủ; ý thức trách nhiệm về BVMT còn hạn chế. Hệ thống chính sách pháp luật còn thiếu, chồng chéo và bất cập; còn có sự chồng lấn giữa các Bộ, ngành về chức năng, nhiệm vụ BVMT. Tổ chức thực thi pháp luật về BVMT còn chưa nghiêm; nhiều chính sách, quy định pháp luật chưa được thực thi hoặc việc thực hiện còn mang tính hình thức; các chế tài xử phạt hành chính, hình sự còn chưa đủ tính răn đe. Nguồn lực cho BVMT còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với tốc độ gia tăng các áp lực về môi trường. Việc ứng dụng các phương thức quản lý mới còn chậm; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại còn yếu; hệ thống quan trắc, cơ sở dữ liệu về môi trường chưa được xây dựng đồng bộ, cập nhật, liên kết và chia sẻ.
Bước sang thập niên mới của thế kỷ 21, đứng trước một giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức và cơ hội đan xen, việc xây dựng Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Nhiệm vụ này đã được đề ra trong Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ này (nhiệm vụ số 147 trong Danh mục các chương trình, đề án).
Quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược
Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020 và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về BVMT
Từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin số liệu từ các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các Bộ, ngành (cùng với Đề cương Chiến lược) và hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020. Đồng thời, cũng đã tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm về BVMT của một số nước trên thế giới, nghiên cứu xu hướng, diễn biến môi trường trong Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEO-6) của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP).
Tổ chức soạn thảo, tham vấn các bên liên quan, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 938/QĐ-BTNMT ngày 15 tháng 4 năm 2020. Theo đó, Trưởng ban soạn thảo là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo cấp vụ của Văn phòng Chính phủ và 14 Bộ, ngành liên quan (Tư pháp; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Xây dựng; Giao thông vận tải; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Công an; Quốc phòng) và một số chuyên gia.
Tổ biên tập đã soạn thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và đã hoàn thiện Đề cương Chiến lược. Sau đó, đã tổ chức soạn thảo Dự thảo Chiến lược, tổ chức hội thảo tham vấn các chuyên gia, các nhà quản lý; tổ chức 03 hội thảo tham vấn các địa phương ở 03 miền Bắc, Trung, Nam. Ngày 14 tháng 08 năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi công văn xin ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và các địa phương đối với Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược. Ngày 23 tháng 9 năm 2020, Ban Soạn thảo cũng đã họp và cho ý kiến đối với Dự thảo Chiến lược.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cách tiếp cận xây dựng và phạm vi của Chiến lược
Về cách tiếp cận, Chiến lược BVMT 2030 tiếp tục kế thừa các định hướng còn nguyên giá trị của Chiến lược BVMT hiện hành, đồng thời có bổ sung, cập nhật các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BVMT, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Chiến lược cũng đồng thời bám sát, cập nhật các định hướng chính sách mới trong quá trình sửa đổi Luật BVMT năm 2014. Dự thảo Chiến lược cũng đã xác định các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với bối cảnh phát triển mới trong nước và trên thế giới.
Về phạm vi, Dự thảo Chiến lược đề cập đến các định hướng về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và; góp phần ứng phó với BĐKH. Để tránh trùng lặp, chồng chéo với các chiến lược về quản lý tài nguyên và ứng phó với BĐKH đã có, Dự thảo Chiến lược tập trung vào BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên và các hoạt động BVMT để đồng thời góp phần nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Các nội dung chính của Dự thảo Chiến lược
Dự thảo Chiến lược đã đề ra 5 quan điểm, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, 4 nhóm nhiệm vụ, 7 nhóm giải pháp, 25 chỉ tiêu và 9 chương trình đề án thực hiện, cụ thể như sau:
5 Quan điểm: a) Môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; b) Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng; bảo vệ môi trường phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế; c) Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; d) Bảo vệ môi trường phải dựa trên nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch và sự giám sát của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin và chuyển đổi kỹ thuật số; thúc đẩy phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, liên vùng, liên ngành, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp; đ) Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường.
Tầm nhìn đến năm 2050: Môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hoà với thiên nhiên, kinh tế xanh, các-bon thấp được hình thành và phát triển.
Mục tiêu đến năm 2030: Mục tiêu tổng quát: Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
Mục tiêu cụ thể: (i) Các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường được chủ động phòng ngừa, kiểm soát; (ii) Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi; (iii) Hoạt động bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái, bảo tồn các di sản thiên nhiên được tăng cường; xu hướng suy giảm đa dạng sinh học từng bước được khắc phục; (iv) Góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Các mục tiêu cụ thể được giám sát bởi 25 chỉ tiêu với lộ trình thực hiện đến năm 2025 và 2030.
Các nhiệm vụ của Chiến lược
Một là, chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường: Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; Thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường; Chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
Hai là, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị; Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; Tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát và bảo vệ môi trường nước và các lưu vực sông; ử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo vệ môi trường đất; Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Tiếp tục cung cấp nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường và ngăn chặn các yếu tố môi trường có hại cho sức khỏe con người.
Ba là, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên: Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái; Duy trì và bảo vệ di sản thiên nhiên, mở rộng hệ thống các khu bảo tồn, các hành lang đa dạng sinh học; Ngăn chặn sự suy giảm các loài và nguồn gen, bảo đảm an toàn sinh học; Tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Bốn là, chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính: Tăng cường bảo vệ môi trường để giảm tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, tăng cường quản lý chất thải, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp phụ khí nhà kính.
Các giải pháp thực hiện Chiến lược
Đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân;
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường;
Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường;
Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường;
Huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần chi ngân sách, nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường;
Ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường;
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.
Tổ chức thực hiện Chiến lược
Dự thảo Chiến lược phân công Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm điều phối, giúp Thủ tướng Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện Chiến lược. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược.
Dự thảo Chiến lược cũng đã đề xuất Danh mục gồm 9 chương trình, đề án, thực hiện Chiến lược.
Về giám sát việc thực hiện Chiến lược, Dự thảo Chiến lược yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động giám sát, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong lĩnh vực, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của mình; định kỳ trước ngày 20 tháng 12 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp việc thực hiện Chiến lược; hàng năm tổ chức đánh giá, 5 năm thực hiện sơ kết, 10 năm tổng kết tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.