Trước vấn đề triển khai công nghệ xử lý CTRSH vẫn còn bất cập, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó đã thể hiện quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tăng cường tái chế, khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải.
Một là, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050[1] đã nêu rõ quan điểm CTR phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng và đất nước. Chiến lược cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tỷ lệ CTRSH đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30%; việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý CTRSH đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045[2] đã khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và CTR đi đôi với công tác BVMT và phát triển kinh tế tuần hoàn. Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050[3] đã nêu rõ định hướng về việc phát triển nguồn năng lượng sinh khối là nâng tỷ lệ xử lý chất thải cho mục đích năng lượng lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.
Hai là, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm thống nhất quản lý đối với CTRSH. Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí cụ thể; thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý CTRSH (trước đây giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì). Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, trong đó đã quy định nội dung về công nghệ xử lý CTRSH tại Mục II Chương IV.
Ba là, Dự thảo Luật BVMT hiện đang được Chính phủ trình Quốc hội cũng đã nêu rõ BVMT phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên; giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải. Dự thảo Luật cũng yêu cầu Chính phủ quy định lộ trình hạn chế việc xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, xác định trách nhiệm của “người gây ô nhiễm thì phải trả tiền”; yêu cầu ngay từ khi đầu tư xây dựng các dự án phải tính toán đến quy hoạch các bãi rác và các điểm trung chuyển rác thải; có nhiều quy định mới nhằm khuyến khích, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải, phân loại rác tại nguồn ngay tại hộ gia đình.
Bốn là, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý CTR tại Tờ trình số 27/TTr-BTNMT ngày 20/7/2020; Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam tại Tờ trình số 100/TTr-BTNMT ngày 25/12/2019. Việc ban hành, triển khai Đề án, Chỉ thị nêu trên sẽ bao gồm các giải pháp tổng thể, toàn diện để tăng cường công tác quản lý CTR tại Việt Nam, trong đó có các giải pháp thúc đẩy triển khai công nghệ xử lý CTR. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng đã được đẩy mạnh, phổ biến đến tận người dân, đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi toàn quốc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam); sau hơn 01 năm đã huy động được 13 doanh nghiệp tham gia vào Liên minh với mục tiêu, đến năm 2030, tất cả bao bì đóng gói của các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, hạn chế chôn lấp, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: (i) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; ứng dụng các công nghệ xử lý CTR tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý CTR kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. (ii) Tổ chức lựa chọn, đánh giá và công bố công nghệ xử lý CTRSH theo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT. Trên cơ sở thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý CTRSH và kết quả xác nhận hoàn thành công trình BVMT của dự án xử lý CTRSH, Bộ TN&MT sẽ ban hành, cập nhật danh mục công nghệ xử lý CTRSH, công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ TN&MT. (iii) Tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý CTR và Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.