Trong thời gian qua, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất thải và chất lượng môi trường xung quanh được xây dựng độc lập với nhau nên xảy ra tình trạng nhiều cơ sở xả thải đạt QCVN về nước thải, nhưng do có quá nhiều cơ sở cùng xả thải nên chất lượng môi trường tiếp nhận bị suy thoái, không đáp ứng được QCVN về chất lượng nước mặt. QCVN về chất thải chưa được sử dụng hiệu quả làm công cụ hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đối với QCVN về chất thải cho ngành đặc thù chưa xác định rõ mối quan hệ với QCVN về chất thải chung. Dẫn đến tình trạng một số QCVN ngành đặc thù lại có yêu cầu lỏng hơn quy chuẩn chung, gây tác động xấu đến môi trường tại một số khu vực, một số dự án.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đưa ra các nguyên tắc xây dựng, yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải... Tuy nhiên, để bảo đảm việc quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập với quan điểm lấy con người làm mục tiêu để bảo vệ, dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi đã bổ sung quy định nguyên tắc, lộ trình áp dụng quy chuẩn nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam tương đồng với các nước phát triển và hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam phải được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời bảo đảm huy động mức đầu tư hợp lý từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thấp từ khu vực này trong thời gian qua, cụ thể:
Một là, QCVN về chất lượng môi trường phải đáp ứng mục tiêu bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường sống nhằm bảo đảm sức khỏe của con người, phát triển của các loài sinh vật và phát triển bền vững các hệ sinh thái; phục vụ cho các hoạt động quy hoạch, phân vùng môi trường, đánh giá chất lượng môi trường; đảm bảo tương đương với các quốc gia và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng; quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường là căn cứ để xem xét, cấp phép xả thải cho các đối tượng có hoạt động xả thải vào môi trường, đảm bảo việc xả thải phù hợp với mục đích quản lý chất lượng môi trường tại khu vực đã được quy hoạch, phân vùng hoặc phân loại.
Hai là, QCVN đối với nước thải phải được xây dựng căn cứ vào phân vùng mục tiêu bảo vệ chất lượng môi trường nước; bảo đảm xem xét mục tiêu bảo vệ chất lượng nước từ thượng nguồn đến hạ nguồn của các dòng sông có tính liên tỉnh, liên vùng. QCVN đối với khí thải phải được xây dựng căn cứ vào công nghệ, công suất của thiết bị phát sinh khí thải và mục tiêu bảo vệ môi trường không khí khu vực tiếp nhận. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương phải được xây dựng theo hướng nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
So với các nước trong khu vực ASEAN, yêu cầu về chất lượng môi trường của Việt Nam còn thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam vẫn còn tiếp diễn và có một số thành phần cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Vấn đề này còn dẫn đến tình trạng Việt Nam trở thành nơi nhập khẩu các máy móc, công nghệ sản xuất lạc hậu, các nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa chứa các chất ô nhiễm, bao gồm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được chuyển về từ các quốc gia trong khu vực.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, để bảo đảm việc quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập với quan điểm lấy con người làm mục tiêu để bảo vệ, việc xây dựng “Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo định hướng hội nhập quốc tế” là cần thiết nhằm bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam tương đồng với các nước phát triển, đồng thời bảo đảm huy động mức đầu tư hợp lý từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thấp từ khu vực này trong thời gian qua.