Đề án đóng cửa mỏ và Đề án phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

Địa chất và Khoáng sản 22/10/2019

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 để quy định thời điểm tổ chức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải lập Đề án đóng cửa mỏ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi giấy phép hết hiệu lực hoặc khai thác hết trữ lượng với thời hạn 6 tháng. Mặt khác, do nội dung Đề án đóng cửa mỏ và Đề án phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản cơ bản giống nhau và cùng một nội dung thực hiện sau khai thác khoáng sản nên đề nghị gộp hai thủ tục thành một để thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, cử tri phản ánh, tại Điều 73 Luật Khoáng sản và Thông tư 45/2016/TT-BTNMT đều chưa có quy định cụ thể thời điểm tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản phải lập Đề án đóng cửa mỏ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Vì vậy, trong trường hợp khi hết thời hạn khai thác theo giấy phép doanh nghiệp mới lập Đề án đóng cửa mỏ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thì quyền sử dụng đất trong khu vực mỏ cũng bị chấm dứt theo quy định tại Điều 31 Luật Khoáng sản đã dẫn tới bất cập: Doanh nghiệp không thể thực hiện trách nhiệm đóng cửa mỏ vì không còn quyền sử dụng đất.

Về bất cập của quy định tại Điều 31 Luật khoáng sản

Theo quy định tại Điều này, khi Giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực thì hợp đồng thuê đất cũng chấm dứt hiệu lực. Do đó, tổ chức, cá nhân khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ gặp khó khăn do hợp đồng thuê đất đã chấm dứt hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận khi đánh giá 8 năm thực hiện chính sách, quy định của Luật khoáng sản để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Về nội dung kiến nghị gộp thủ tục hành chính lập, phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ và lập, phê duyệt Phương án cải tạo, phục hồi môi trường

Phương án cải tạo, phục hồi môi trường được lập để xác định tổng mức chi phí cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác cũng như dự kiến chi phí cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường khi mỏ kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ). Trên cơ sở đó, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước khi khai thác theo Giấy phép khai thác đã cấp và nộp từng năm trong các năm tiếp theo cho đến khi dừng khai thác. Trong khi đó, Đề án đóng cửa mỏ được lập trong trường hợp khi Giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực (gồm: hết hạn mà không tiếp tục khai thác/Giấy phép khai thác bị thu hồi/doanh nghiệp phá sản, giải thể). Theo đó, trên cơ sở hiện trạng khu vực khai thác, các công trình hạ tầng kỹ thuật của mỏ (tại thời điểm lập Đề án đóng cửa mỏ) để xác định từng hạng mục công trình (tương ứng là khối lượng và chi phí thực hiện) cần cải tạo, phục hồi môi trường để xác định tổng chi phí thực hiện cho tất cả các hạng mục công trình cần cải tạo, phục hồi môi trường. Đặc biệt, nội dung Đề án đóng cửa mỏ phải thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại tại thời điểm lập Đề án để xác định việc đóng cửa mỏ là để thanh lý (khai thác hết trữ lượng đã cấp trong khu vực khai thác) hay đóng cửa để bảo vệ (chưa khai thác hết trữ lượng đã cấp phép). Như vậy, lập, trình phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường (là thủ tục thực hiện trước khi cấp phép khai thác), còn lập, trình phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (được lập sau khi đã khai thác) thuộc các trường hợp như đã nêu trên. Đây là hai thủ tục hành chính tại hai thời điểm khác nhau, có bản chất pháp lý khác nhau, đặc biệt nội dung Đề án đóng cửa mỏ rộng hơn nội dung Phương án cải tạo, phục hồi môi trường nên không thể gộp trong cùng một thủ tục hành chính.