Việc tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa tiềm năng đất đai thông qua mở rộng quy mô sản xuất là bước đi cần thiết và xu thế tất yếu. Chủ trương này đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng và thể chế cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước qua các thời kỳ.
Pháp luật về đất đai hiện hành đã quy định cụ thể về các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng cũng như trình tự, thủ tục thực hiện. Thực tế hiện nay, thông qua việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, tại nhiều địa phương đã có những phương thức, mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao hơn, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngày 17/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, trong đó đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung đất đai như miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư; hỗ trợ tiến cạn, vay vốn;….
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương nghiên cứu chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai nhằm thể chế các định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị về “tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để tạo diều kiện tích tụ, tập trung, sử dụng hiệu quả đất đai, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai tại kỳ họp thứ 9. Song song, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang khẩn trương dự thảo Nghị định về tập trung tích tụ đất đai để trình Chính phủ trong năm 2019 (đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ).