Sơ đồ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ TN&MT
Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Bộ TN&MT, phiên bản 1.0 trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 1.0 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 21 tháng 4 năm 2015.
Trong năm 2019 với quan điểm chỉ đạo “Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”. Đồng thời, xây dựng và ban hành Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0, đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số và cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ (Big Data, IoT, AI, Cloud Computing, Blockchain, …) làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, phát triển Kiến trúc CPĐT, Kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0.
Ngày 17 tháng 4 năm 2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-BTNMT về việc “Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”. Cùng với đó, Bộ đã triển khai các hoạt động tăng cường năng lực nhằm tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhằm kịp thời đáp ứng với thực tiễn phát triển CPĐT Việt Nam và tuân thủ các quy định mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các định hướng, mục tiêu, chương trình hành động, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành TN&MT giai đoạn 2019-2020 và 2020-2025, Bộ TN&MT đã xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT trên cơ sở cập nhật, bổ sung, phát triển từ Kiến trúc CPĐT của Bộ TN&MT, phiên bản 1.0.
Các nội dung dự thảo được cập nhật, bổ sung so với Phiên bản 1.0 gồm:
- Cập nhật, các định hướng chiến lược, các mục tiêu phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025;
- Cập nhật các nội dung phù hợp với Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0;
- Tham chiếu đầy đủ đến các mô hình tham chiếu được quy định trong Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0;
- Cập nhật các nội dung kiến trúc: Cơ chế chính sách, các HTTT, CSDL, nền tảng trao đổi, chia sẻ, tích hợp dữ liệu;
- Bổ sung nội dung An toàn thông tin;
- Bổ sung nội dung tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng CNTT;
- Bổ sung mô hình kết nối với các Sở TN&MT các địa phương;
- Xây dựng lộ trình triển khai kiến trúc.
Để hoàn thiện nội dung dự thảo Kiến trúc CPĐT Bộ TN&MT phiên bản 2.0, Bộ TN&MT giới thiệu dự thảo và rất mong nhận được các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân quan tâm. Ý kiến góp ý trực tiếp tại đây.