Văn phòng Đăng ký đất đai là một trong số các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đề xuất đưa vào Quy hoạch giai đoạn đến năm 2021, định hướng đến năm 2030
Theo đó, dự thảo Quy hoạch được xây dựng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng lần thứ 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Quan điểm xây dựng Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 bảo đảm tuân thủ và phù hợp yêu cầu về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước. Trên cơ sở thống nhất, đồng bộ, sắp xếp hợp lý giữa các lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành TN&MT và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tăng cường thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực TN&MT; tiếp tục củng cố, đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời thực hiện các chính sách thúc đẩy xã hội hóa nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội tham gia phát triển các dịch vụ sự nghiệp công.
Quy hoạch theo hướng sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động; bảo đảm tính đặc thù của từng lĩnh vực, có tính kế thừa, phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ viên chức hiện có; đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư trên cơ sở đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự; đồng thời đảm bảo tính dự báo, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Về quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch, đến nay, Bộ đã hoàn thiện Dự thảo để gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở các ý kiến tham gia này, Bộ sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT trân trọng giới thiệu tóm tắt các nội dung chính của dự thảo "Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành TN&MT" tới các cơ quan, đơn vị và cá nhân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến.
Về mục tiêu tổng quát
Hình thành mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TN&MT tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động sự nghiệp công về TN&MT; thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển lành mạnh, nâng cao chất lượng và số lượng các sản phẩm, dịch vụ công, giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý.
Về các mục tiêu cụ thể
Giai đoạn đến năm 2021:
Thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo phù hợp với nhu cầu của xã hội, của từng địa phương và Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực thuộc ngành TN&MT, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình sắp xếp, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW).
Hằng năm, tăng dần mức độ tự chủ chi thường xuyên phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu có 50 % đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Giai đoạn 2021 - 2030:
Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tinh giản biên chế theo mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và phù hợp tình hình phát triển ngành TN&MT.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Đến năm 2030, hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần; tiếp tục mở rộng thực hiện áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.
Về phạm vi quy hoạch, thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực TN&MT do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực TN&MT thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy hoạch này.
Về bố cục Đề án Quy hoạch gồm 03 phần, 06 Phụ lục kèm theo.
Phần mở đầu gồm các nội dung: Sự cần thiết và căn cứ xây dựng đề án.
Phần thứ nhất: Thực trạng tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, bao gồm các nội dung về: thực trạng về tổ chức và cơ chế hoạt động; thực trạng nguồn nhân lực; thực trạng cơ sở vật chất, tài chính; kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp; chế độ chính sách đối với viên chức và người lao động; nhận xét và đánh giá chung.
Phần thứ hai: Phương án quy hoạch các đơn vị sự nghiệp, bao gồm các nội dung: quan điểm, mục tiêu quy hoạch; phạm vi, đối tượng và nguyên tắc quy hoạch; nội dung quy hoạch năm 2021, định hướng đến năm 2030; giải pháp thực hiện.
Một số nội dung chính của Đề án quy hoạch gồm phân tích và đánh giá thực trạng hệ thống các đơn vị sự nghiệp; cơ chế tự chủ; tình hình nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TN&MT. Căn cứ tình hình thực tế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực TN&MT; trên cơ sở quan điểm và mục tiêu quy hoạch, Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TN&MT đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 cụ thể như sau: (i) Các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thuộc ngành TN&MT tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gồm các lĩnh vực: biển và hải đảo; đất đai; địa chất và khoáng sản; đo đạc và bản đồ; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; môi trường; tài nguyên nước; dữ liệu, thông tin TN&MT. (ii) Các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TN&MT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ yêu cầu công tác quản lý, quy mô, kết quả hoạt động có thể thành lập, duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TN&MT, gồm: Văn phòng Đăng ký đất đai; Trung tâm Phát triển quỹ đất; Trung tâm Kỹ thuật - Dữ liệu, thông tin TN&MT; Trung tâm Quan trắc TN&MT. Tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm. Giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ yêu cầu công tác quản lý, quy mô, kết quả hoạt động để thành lập, duy trì Trung tâm phát triển quỹ đất. Tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, chi đầu tư theo từng năm.
Mời Quý vị tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo "Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành TN&MT" tại đây.