Việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030 là thực sự cần thiết, mang ý nghĩa, vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường. Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị nghiên cứu, góp ý đối với dự thảo Đề án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu một số nội dung chính liên quan đến Đề án và đăng tải dự thảo xin ý kiến gồm: (i) Dự thảo Đề án; (ii) Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ; (iii) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án. Các ý kiến góp ý tại đây.
Các nội dung chính liên quan đến Đề án như sau:
Về sự cần thiết và căn cứ pháp lý xây dựng Đề án
Ngành tài nguyên và môi trường là ngành đa lĩnh vực, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và điều tra cơ bản gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trên 09 lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám. Đây là những lĩnh vực có tính chất phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh quốc phòng, sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường cũng ngày càng lớn cả về quy mô tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nguồn nhân lực, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đáp ứng những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, hiện nay, công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương; các Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; để có đẩy đủ cơ sở đề xuất thực hiện đồng bộ việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đi đôi với kiện toàn hệ thống tổ chức và sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ công chức của Ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như mục tiêu, yêu cầu của các nghị quyết nêu trên; việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030 là thực sự cần thiết, mang ý nghĩa, vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường.
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến Đề án
Về nội dung và kết cấu của Đề án
Đề án được cấu trúc thành 06 phần, bao gồm những nội dung chính như sau:
Phần I về Sự cần thiết và cơ sở pháp lý. Phần này đã phân tích, chỉ rõ lý do và cơ sở pháp lý làm căn cứ để xây dựng Đề án, bao gồm: (a) Yêu cầu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường; phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. (b) Yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy ngành tài nguyên và môi trường theo tinh thần các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (c) Yêu cầu tăng cường năng lực đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường để xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất và trình độ thực hiện các mục tiêu phát triển ngành trong giai đoạn tới
Phần II về Thực trạng hệ thống tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. Phần này đã phân tích, đánh giá, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập về các nội dung: (1) tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương; (2) việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương; (3) đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương; (4) công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường.
Phần III về Mục tiêu, đối tượng, phạm vi của Đề án. Đề án nhằm mục tiêu: “Kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; phát triển ngành tài nguyên và môi trường ngày càng chính quy, hiện đại, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.”
Mục tiêu cụ thể của Đề án là: (1) Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp hợp lý, cụ thể giữa các cơ quan Trung ương và giữa Trung ương với địa phương. (2) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. (3) Cơ cấu, số lượng công chức, viên chức, số người làm việc, người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được sắp xếp lại, bổ sung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (4) Đội ngũ cán bộ quản lý về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cán bộ địa phương, cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. (5) Hệ thống thanh tra ngành tài nguyên và môi trường từng bước được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ thanh tra được đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành và hoạt động mang tính chuyên nghiệp; có đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối tượng, phạm vi của Đề án là các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến các cấp địa phương, gồm: các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước; Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã). Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2020 đến năm 2030.
Phần IV về Nhiệm vụ và giải pháp. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Đề án đã phân tích, đề xuất thực hiện đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho công tác tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, bao gồm: (a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể giữa các Bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương. (b) Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. (c) Rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương; phân tích nhu cầu, cơ cấu nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; cơ cấu sắp xếp lại dựa trên các nguyên tắc, tiêu chuẩn hóa công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. (d) Rà soát, đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường; đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xây dựng, thực hiện kế hoạch/chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng khác cho cán bộ quản lý tài nguyên môi trường từ Trung ương đến địa phương. (đ) Tăng cường năng lực công tác thanh tra các lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Phần V về Kinh phí thực hiện. Phần này nêu rõ nguồn kinh phí xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bao gồm nguồn ngân sách nhà nước phân bổ từ Trung ương, địa phương và các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Phần VI về Tổ chức thực hiện. Phần này quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện Đề án. Kèm theo Đề án là Phụ lục các nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện Đề án.
Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu các nội dung liên quan của dự thảo Đề án rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án này.