Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (gọi tắt là Quỹ) được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và được tổ chức hoạt động theo Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Quỹ có chức năng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng dự thảo Quyết định là cần thiết và cấp bách, với các lý do cụ thể như sau: Nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tài chính và sắp cạn kiệt nguồn vốn để ký hợp đồng tín dụng mới; bổ sung nhiệm vụ thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; tài trợ, đồng tài trợ đối với các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công (đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) thì Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc đối tượng đầu tư công. Trước ngày 01/01/2020, vốn điều lệ và vốn bổ sung của Quỹ được cấp từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp môi trường; từ ngày 01/01/2020, theo quy định tại Luật Đầu tư công thì vốn điều lệ của Quỹ sẽ được cấp, bổ sung từ nguồn vốn đầu tư công. Do đó, dự thảo Quyết định chỉnh sửa quy định nguồn cấp và trình tự thủ tục cấp vốn điều lệ cho Quỹ từ ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 7 dự thảo Quyết định).
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nâng mức vốn điều lệ của Quỹ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng; đến năm 2025, được cấp đủ 3.000 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của Quỹ được hình thành từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; Quỹ đầu tư phát triển.
Trình tự, thủ tục cấp vốn điều lệ cho Quỹ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan.
Phạm vi, đối tượng được hỗ trợ tài chính từ Quỹ là các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc và bảo đảm an ninh tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dự thảo Quyết định đã mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ tài chính, bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động bảo đảm an ninh tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (Điều 2, Điều 4 dự thảo Quyết định); kèm theo danh mục các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc, dự án bảo đảm an ninh tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long được cho vay ưu đãi từ Quỹ, hoạt động được Quỹ tài trợ, đồng tài trợ (Phụ lục I, II, III dự thảo Quyết định) nhằm triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự thảo Quyết định gồm có 10 điều gồm: Phạm vi điều chỉnh; Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân và chức năng của Quỹ; Nguyên tắc hoạt động; Nhiệm vụ; Quyền hạn; Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ; Nguồn vốn; Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan; Điều khoản chuyển tiếp; Điều khoản thi hành.
Tổ chức bộ máy của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quỹ) đang hoạt động gần giống với mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: Hội đồng quản lý Quỹ (trong đó Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý là lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ ngành liên quan, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm); Ban Kiểm soát và cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ (Giám đốc, các Phó Giám đốc, Kế toán trưởng) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm.
Theo dự thảo Quyết định lần này, Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, được tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật doanh nghiệp và Nghị định 97/2015/NĐ-CP, bao gồm: Chủ tịch Quỹ, Ban Kiểm soát, Giám đốc và bộ máy giúp việc (Điều 6 dự thảo Quyết định); Chủ tịch Quỹ làm việc theo chế độ chuyên trách. Như vậy, theo mô hình mới, không còn Hội đồng Quản lý Quỹ và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ không kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch.
Chức danh Chủ tịch, Kiểm soát viên do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm; thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh quản lý khác: Giám đốc, các Phó Giám đốc, Kế toán trưởng sẽ được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Dự thảo, Quyết định được hoàn thiện để khắc phục những bất cập hiện nay, đặc biệt là quy định về nguồn vốn của Quỹ (bao gồm vốn điều lệ và vốn bổ sung hằng năm); đồng thời bổ sung, chỉnh sửa các quy định về mô hình và tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ theo Thông báo số 420/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.