Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Biển và hải đảo 29/10/2019

Để góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo Tổ quốc, ngày 06 tháng 9 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Chiến lược mang tính tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực của các Bộ, ngành khác nhau như: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, An ninh,…trong đó điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển là một trong những nội dung, giải pháp hết sức quan trọng của Chiến lược.

Quan điểm của Chiến lược  là “Điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển phải đi trước một bước, đặc biệt đối với các đảo, cụm đảo tiền tiêu, các đảo có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Ưu tiên điều tra nghiên cứu các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề để phát hiện các nguồn tài nguyên mới và tạo lập cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, phục vụ nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các tai biến tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu trên các vùng biển”, Chiến lược đã đưa ra mục tiêu “Hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” và tầm nhìn đến năm 2030 là “Hiểu biết cơ bản về tiềm năng tài nguyên - môi trường, những lợi thế và những tác động bất lợi từ biển trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế liền kề đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học biển nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái biển ở mức ổn định”.

Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn nêu trên Chiến lược đã đưa ra 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp trong đó điều tra cơ bản là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi, theo đó cần triển khai thực hiện tập trung vào một số vấn đề như: “(1) Điều tra, nghiên cứu làm rõ khả năng xảy ra các tai biến tự nhiên gồm tai biến địa động lực, các tai biến khí tượng, thủy hải văn và các tai biến liên quan đến sự cố, thảm họa môi trường; (2) Đo đạc lập bản đồ địa hình đáy biển; (3) Điều tra, đánh giá làm rõ hơn tiềm năng sa khoáng ilmenit -zircon - đất hiếm và các kim loại quý dọc theo dải bờ biển và vùng biển nông; dầu khí trên các vùng biển; (4) phát hiện các biểu hiện, điều kiện thuận lợi tập trung kết hạch sắt “mangan Biển Đông, sa khoáng có casiterit và vàng đi kèm ở đáy biển, khí hydrate ở các vùng biển sâu... Đánh giá, xác định rõ tài nguyên, trữ lượng các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng vùng ven bờ, đặc biệt là các trường cát, kể cả ngoài khơi từ độ sâu 100 mét nước trở lên;(5) Chú trọng đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu và phát hiện các tài nguyên mới ở các vùng biển sâu, biển xa, các đảo xa bờ; (6) Điều tra, đánh giá, lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, các hệ sinh thái đặc thù, khu vực có đa dạng sinh học cao, các khu vực sinh sản, các luồng di cư của sinh vật biển, khu vực tránh rét, tránh bão của các loài chim di cư; (7) Điều tra hiện trạng môi trường biển, đánh giá mức độ nhạy cảm và chống chịu của biển; (8) Điều tra tổng hợp, đánh giá toàn diện khí tượng, hải văn, tài nguyên - môi trường biển, địa chất, địa hình, tài nguyên đất, nước mặt, nước dưới đất, hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất ngập nước, các loài hoang dã quý hiếm, tài nguyên vị thế để phát triển cảng biển, du lịch, tiềm năng khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, thủy triều; (9) Chú ý điều phối hoạt động, trao đổi thông tin, kết quả giữa các dự án điều tra, nghiên cứu về biển theo hướng tổng hợp và thống nhất để tăng hiệu quả công tác điều tra, nghiên cứu về biển”.

03 giải pháp về điều tra cơ bản trong tổng số 06 giải pháp để thực hiện Chiến lược là: “3. Chú trọng đào tạo, huy động, sử dụng nguồn nhân lực cho điều tra, nghiên cứu về biển, quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; 4. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn cho điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; 5. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo”.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chiến lược, ngày 11 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đa ban hành Quyết định số 798/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Kế hoạch). Kế hoạch đã xác định được danh sách các chương trình, dự án, nhiệm vụ liên quan đến các nội dung và chỉ tiêu của Chiến lược và nhiệm vụ của các Bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai với khoảng 14 dự án về điều tra cơ bản, phát triển năng lực cảnh báo thiên tai và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Thủ tướng cũng phê duyệt 03 dự án điều tra cơ bản kèm theo Kế hoạch. Việc triển khai có hiệu quả 17 dự án liên quan tới công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nêu trên sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược. Tuy nhiên, qua rà soát đánh giá hiện trạng còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của Chiến lược, trong thời gian tới Chương trình trọng điểm cần khắc phục các tồn tại này, xem xét tiếp tục phải triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, điều tra tổng hợp kết hợp nghiên cứu khoa học, đánh giá toàn diện điều kiện tự nhiên (khí tượng, hải văn, địa chất, địa mạo,...), kinh tế- xã hội, tiềm năng và giá trị tài nguyên, trong đó có khoáng sản rắn (kết hạch sắt, mangan) ở vùng biển sâu, tài nguyên vị thế, tiềm năng khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, thủy triều và các nguồn tài nguyên khác, môi trường và sinh thái biển, tai biến để phát triển kinh tế biển (du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí) và các tài nguyên, khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mớiphục vụ quy hoạch, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ hai, điều tra hiện trạng môi trường biển, môi trường đại dương, các chất ô nhiễm mới, đánh giá mức độ nhạy cảm và sức chịu tải của hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường biển, định lượng vai trò của các hệ sinh thái đối với duy trì đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; Cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu: i) ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; ii) ứng phó chủ động và hiệu quả với các sự cố môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đảm bảo an toàn môi trường và an toàn sinh thái trong các hoạt động phát triển kinh tế biển; iii) quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển; iv) hình thành văn hoá sinh thái biển.

Thứ tư, thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

Thứ năm, đầu tư đội tàu nghiên cứu biển với trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; Phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo môi trường, phòng chống thiên tai đồng bộ, hiệu quả bảo đảm an toàn cho các hoạt động ven biển và trên biển.

Thứ sáu, đào tạo, huy động, sử dụng nguồn nhân lực cho điều tra, nghiên cứu về biển, quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo.

Thứ  bảy, xây dựng cơ chế trao đổi, phối hợp hiệu quả thông tin giữa các Chương trình nghiên cứu khoa học biển và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; Tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu những vấn đề mang tính khu vực và quốc tế.