Quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam

Biển và hải đảo 03/09/2020

Thông tư gồm 4 Chương và 24 Điều; 6mẫu Báo cáo đánh giá chất nạo vét và mẫu báo cáo đánh giá các ảnh hưởng của hoạt động nhận chìm tới tài nguyên môi trường biển.

Đây là một Thông tư quy định tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng nhằm bảo vệ tốt nhất cho môi trường biển trong hoạt động nạo vét, nhận chìm vật chất tại các khu vực biển và thêm một công cụ thực thi, giám sát ngoài việc yêu cầu đánh giá tác động môi trường của hoạt động này vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Trong đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư này quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam. Đối tượng áp dụng đối với cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam.

Theo Thông tư, nguyên tắc áp dụng các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét đó là: Việc áp dụng các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét phải tuân thủ theo các phương pháp được quy định tại Thông tư này và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.

Trường hợp các phương pháp tiêu chuẩn quốc tế, phương pháp tiêu chuẩn khu vực hoặc phương pháp tiêu chuẩn nước ngoài chưa được quy định tại Thông tư này sẽ được xem xét, chấp nhận sử dụng nếu có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn.

Trường hợp các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các phương pháp mới thì áp dụng theo các phương pháp mới đó.

Thông tư cũng nêu rõ, trong quá trình điều tra, nghiên cứu khoa học để cho ra kết quả, chấp nhận các phương pháp phân tích hướng dẫn trong các tiêu chuẩn quốc tế có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các tiêu chuẩn quốc gia hiện hành và trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia để phân tích các thông số quy định trong Thông tư.