Nghị quyết 36-NQ/TW là nền tảng cho việc quản lý, phát triển kinh tế biển

Tin tức - Sự kiện 28/06/2019

Trong bối cảnh hiện nay, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Là quốc gia nằm ven Biển Đông với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam; hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên

Nghị quyết 36-NQ/TW là nền tảng cho việc quản lý, phát triển kinh tế biển bền vững

Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Các đại biểu tham dự

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể song vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi, một số khu vực đã gây ra ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa biển; chưa quan tâm đúng mức xây dựng thiết chế văn hóa các vùng biển và ven biển; chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại, đồng thời giảm thiểu thách thức và nguy cơ đối với tài nguyên và môi trường biển, Việt Nam cần chủ động xây dựng một nền kinh tế biển xanh. Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng các nguồn tài nguyên của đại dương được khai thác và sử dụng bền vững nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế đồng thời bảo tồn sức khoẻ của các hệ sinh thái biển, đại dương.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định: “Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đưa ra một chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi

Giới thiệu tóm tắt một số nội dung cơ bản và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nêu bật bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước đối với thực hiện Chiến lược biển Việt Nam cho thấy việc ban hành Nghị quyết có vai trò đặc biệt quan trọng. Về quan điểm, mục tiêu nhấn mạnh tới việc thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong toàn Đẩng, toàn dân và toàn quân; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; giữ gìn giá trí, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố đột phá. "Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra 05 chủ trương lớn; 03 khâu đột phá và 07 nhóm giải pháp nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh” – Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Nghị quyết số 36-NQ/TW: 05 chủ trương lớn; 03 khâu đột phá và 07 nhóm giải pháp

05 chủ trương lớn: (1) Phát triển kinh tế biển và ven biển: sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các ngành kinh tế thuần biển; phát triển đồng bộ, từn;g bước hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; (2) Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển: Dựa trên quy hoạch không gian biển; (3) Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; (4) Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; (5) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

03 khâu đột phá: Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển; Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ

07 nhóm giải pháp: Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững biển. Ba là, phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển. Bốn là, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển. Năm là, tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Sáu là, chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển. Bảy là, huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó, kinh tế biển xanh đóng vai trò chủ đạo; xây dựng văn hóa sinh thái biển, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng trên nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0, Nghị quyết nhấn mạnh tới việc cần có sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phát triển bền vững biển Việt Nam phải được coi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – một chuyên gia của quốc tế và Việt nam về biển và phát triển kinh tế biển đã khái quát, đánh giá về vai trò, vị trí quan trọng; cũng như các tiềm năng, khó khăn và thách thức của tài nguyên và môi trường biển Việt Nam trong phát triển bền vững kinh tế biển. Đặc biệt, các thách thức lớn phải đổi mặt trong phát triển kinh tế biển như quy mô kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế; dựa chủ yếu vào kinh tế khai thác, phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển đang giảm sút nhanh chóng. Bên cạnh đó, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu; ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. …

Từ những hạn chế này, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất một số nhóm giải pháp để thực hiện thành công các định hướng của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: khoa học công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển; quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, xây dựng quảng bá thương hiệu biển Việt Nam…

Ông Lê Minh Chiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội nghị

Các tỉnh, thành có biển phải trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển

Đại diện cho các tỉnh thành có biển, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã thể hiện sự quyết tâm để phấn đấu đến năm 2045 Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển. Trong đó, kinh tế biển sẽ phát triển toàn diện theo hướng hiện đại gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, phát triển kinh tế hàng hải, đường thủy nội địa và cảng nước sâu kết nối với các cảng biển trong vùng, các vùng kinh tế biển của khu vực miền Nam, trở thành cảng biển trung chuyển ven biển trong và ngoài nước; phát triển du lịch cao cấp tại các đảo nhỏ ven biển trong vùng, khu vực; đưa kinh tết biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh.

Bên lề Hội nghị, BTC trưng bày triển lãm tranh để các đại biểu thăm quan

Ông Lee Young Jeol – Chủ tịch Tập đoàn DATAM, Chủ tịch Hiệp hội Giao thông tương lai Hàn Quốc, Tổng Thư ký Liên hiệp hội giao thông xuyên Á cho biết, phía Hàn Quốc đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng trong vấn đề nỗ lực xây dựng và phát triển Chiến lược phát triển kinh tế biển.

Dẫn chứng từ những thành tựu của Hàn Quốc, ông Lee Young Jeol cho rằng những năm trước đây nếu Hàn Quốc không tận dụng được lợi thế của đất nước có ba mặt giáp biển thì Hàn Quốc không thể có được những thành tựu về kinh tế - xã hội như hiện nay.

Đối với Bạc Liêu, ông Lee Young Jeol nhấn mạnh đây là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển, với những chính sách đúng đắn từ Chính phủ, với quyết tâm của chính quyền nhân dân và sự đồng hành của những doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Lee Young Jeol tin rằng Bạc Liêu sẽ và sẽ đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường trên nền tảng công nghệ sáng tạo như máy phát điện sức gió và máy phát điện năng lượng mặt trời.