Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Tin tức - Sự kiện 23/07/2019

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ báo cáo của các Bộ trưởng tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP

Sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy trí tuệ của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế; trên cơ sở kế thừa thành quả của những chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tích hợp kết quả của các chương trình nghiên cứu, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hai năm triển khai thực hiện, các Bộ, ngành và địa phương đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách; từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực, hạ tầng, kết nối liên vùng; tạo sự chuyển dịch tích cực về phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng. Các kết quả nổi bật đạt được như sau:

Thứ nhất, hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển.

Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với công nghệ chế biến, chuỗi giá trị nông sản. Tập trung vào phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, thúc đẩy công nghiệp chế biến. Năng lượng tái tạo bước đầu đã có bước phát triển mới. Chuyển đổi cơ cấu theo lãnh thổ đang được định hình theo 03 vùng sinh thái gồm vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển.

Thứ ba, kết nối liên vùng đang được thúc đẩy thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi Nghị quyết số 120/NQ-CP được ban hành đến nay, Chính phủ bố trí 10.607 tỷ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ… Nhiều dự án công trình thủy lợi, thủy sản đã được Chính phủ đầu tư xây dựng như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau, Cống âu thuyền Ninh Quới, Dự án Tha La, cống Trà Sư...

Thứ tư, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm bố trí nguồn lực nhà nước cho phát triển vùng. Tổng số vốn đầu tư qua địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (chưa bao gồm 10% dự phòng) là 193.967 tỷ đồng chiếm 16,53% so với cả nước. Vốn đề xuất bổ sung cho các dự án xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm là 2.500 tỷ đồng. Trong khuôn khổ chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã giao 3.700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương cho 20 dự án tại đồng bằng sông Cửu Long. Ban hành nhiều ưu đãi về thuế, phí trong sản xuất nông nghiệp; nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho đóng mới, nâng cấp tàu, cấp bù lãi suất. - Các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đang được triển khai thực hiện tập trung vào những vấn đề cấp bách.

Thứ năm, công tác điều tra cơ bản, quan trắc bước đầu được tăng cường; số liệu, dữ liệu liên ngành từng bước được thiết lập, cập nhật và hệ thống hóa để phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, hoạch định chính sách.

Thứ sáu, nghiên cứu khoa học và công nghệ được đẩy mạnh cung cấp luận cứ, sáng kiến, giải pháp công nghệ; đào tạo chuyển đổi nghề đã bắt đầu được quan tâm. Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng trưởng GDP của vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 đạt mức ấn tượng là 7,12%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây (cao hơn bình quân chung cả nước 7,08%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD.

Du lịch tiếp tục phát triển, năm 2018 đã đón hơn 40 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo ngành, theo tiểu vùng đạt được một số kết quả tích cực. An sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững.

Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, quan tâm phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, các cụm tuyến dân cư vượt lũ.

Diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới, tính đến hết tháng 6 năm 2019, toàn vùng có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,06%), bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã (mức bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã). Các công trình văn hóa, di tích lịch sử, giá trị văn hóa phi vật thể được chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát triển.

Hạn chế, nguyên nhân

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song quá trình triển khai Nghị quyết còn nhiều tồn tại, hạn chế; nổi bật phải kể đến các tồn tại chủ yếu như sau:

Thứ nhất, thể chế điều phối vùng chưa được hình thành với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể để lựa chọn được những vấn đề ưu tiên liên vùng, đề xuất những dự án chuyển đổi quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông... Tư duy phát triển “thuận thiên” theo các tiểu vùng chậm được triển khai, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch còn thiếu tổng thể.

Thứ hai, kết quả điều tra cơ bản, cơ sở dữ liệu liên ngành còn chậm, chưa đồng bộ; luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, đề xuất các chương trình, dự án còn chưa được hoàn thiện. Việc bố trí nguồn lực cho khoa học và công nghệ đã được ưu tiên, tuy nhiên chưa đủ để tạo đột phá nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi quy mô lớn.

Thứ ba, nhiều Bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong lựa chọn mô hình phát triển, kết nối hạ tầng, kết nối kinh tế; việc chuyển đổi còn mang tính tự phát. Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả, nhất là huy động từ doanh nghiệp, khối tư nhân. Quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tổng thể, thiếu kết nối đồng bộ và đáp ứng đa mục tiêu.

Thứ tư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề còn chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng ứng phó với thiên tai, chưa có ý thức góp phần giảm nhẹ các tác nhân gây biến đổi khí hậu.

Thách thức

Trong thời gian tới, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, các hoạt động khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến toàn vùng.

Để khắc phục những hạn chế và vượt qua những thách thức nêu trên, cần thiết ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tích cực, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP

Trong bối cảnh nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Các giải pháp cụ thể được đề xuất bao gồm:

Thứ nhất, khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế đặc thù cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư, đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần phải đẩy mạnh cung cấp thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu; nêu cao vai trò của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các đoàn thể huy động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, phản biện và giám sát quá trình hoạch định và thực thi cơ chế, chính sách để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.