Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước

Tin tức - Sự kiện 27/08/2020

Bám sát phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Bộ TN&MT đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra; dự báo sát các xu thế, nhận diện, xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh từ thực tiễn; đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Với những nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hành động, bứt phá, toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra. Các kết quả này đã có những đóng góp quan trọng cho việc hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng, bao gồm: đóng góp cho ngân sách trực tiếp thông qua các nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, gián tiếp thông qua việc kiểm soát tốt các vấn đề môi trường đối với các dự án lớn, đơn giản hoá thủ tục hành chính, sớm tạo mặt bằng cho triển khai các dự án; giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế thông qua việc làm tốt công tác dự báo khí tượng thuỷ văn; nâng cao nhận thức của người dân về BVMT nói chung và đặc biệt là hạn chế rác thải nhựa.

Các kết quả nổi bật như sau:

Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tăng cường kỷ cương, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho tăng trưởng, thắt chặt bảo vệ môi trường (BVMT) cho phát triển bền vững. Bộ đã trình ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ ngay những vướng mắc về đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo để tiếp tục khơi thông các nguồn lực tài nguyên, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước. Thiết lập hành lang pháp lý cho thống nhất quản lý đo đạc bản đồ; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường (TN&MT) ngay trong quá trình triển khai dự án, kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu để BVMT cho phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động đề xuất các đề án thí điểm đối với những vấn đề mới; sơ kết, tổng kết các chủ trương chính sách, pháp luật trên cơ sở đó Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các Kết luận chỉ đạo, Nghị quyết giám sát và sửa đổi 02 Bộ luật quan trọng là Luật bảo vệ môi trường và Luật Đất đai. Trình Chính phủ 02 đề án lập nhiệm vụ quy hoạch quốc gia và 05 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành để phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, BVMT cho giai đoạn phát triển mới.

Tập trung xây dựng hạ tầng thông tin địa lý; tích hợp, liên thông các dữ liệu TN&MT nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử. Bộ đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ địa hình, không gian địa lý quốc gia thống nhất trên đất liền, vùng biển và hải đảo. Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; cung cấp dịch vụ định vị phủ trùm cả nước với độ chính xác cao. Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của ngành phiên bản 2.0. Hoàn thiện, vận hành các cơ sở dữ liệu TN&MT quốc gia, chuyên ngành (đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước...) kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan và các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiện toàn bộ máy của ngành. Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, Ngành đã tập trung cải cách hành chính từ thể chế sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý cho giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. 

Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ tiếp tục được đổi mới, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã phát huy giá trị trong thực tiễn. Hợp tác, hội nhập quốc tế được mở rộng trên đất cả các lĩnh vực quản lý. Chỉ đạo điều hành của ngành đã thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được chú trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Toàn ngành đã thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình tổ chức; phân cấp quản lý để kiện toàn tổ chức. Nhiều địa phương đã chuyển dần mô hình tổ chức dịch công thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo minh bạch, tái đầu tư cho ngành, trong đó trong 3 năm qua các Văn phòng đăng ký đất đai đã thu 3.857 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngành tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Trong 3 năm từ 2017 - 2019, Ngành đã tiến hành 6.497 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 20.709 tổ chức. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 16.928 ha đất, xử phạt vi phạm, truy thu 368 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, đã tiến hành 1.254 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 5.600 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính, truy thu 82 tỷ đồng, thu hồi 1.484 ha đất. Toàn Ngành đã tiếp nhận xử lý hơn 11 nghìn lượt đơn thư (giảm 9,34% so với năm 2018).

Quang cảnh Hội nghị

Nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững đất nước

Công tác quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường, nguồn lực đất đai tiếp tục là nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước. Ngành đã xây dựng chương trình hành động và tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai với diện tích 18.844 ha; tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, quy hoạch để đưa đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thúc đẩy tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, dự án phát triển kinh tế trọng điểm của quốc gia. Chuyển dịch 24,5 nghìn ha đất cho cho phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở, đưa 43,6 nghìn ha đất chưa sử dụng vào sử dụng.Triển khai kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước, triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành cấp GCN với 97,36% diện tích cần cấp giấy; đưa vào vận hành 165/713 cơ sở dữ liệu đất đai. Nguồn thu từ đất trong 11 tháng đầu năm đạt trên 172,65 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% thu ngân sách nội địa.

Tập trung triển khai công tác điều tra cơ bản phục vụ lập quy hoạch, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, điều tiết hài hòa nguồn nước phục vụ đa mục tiêu. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; triển khai lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình; quản lý tài nguyên nước theo các lưu vực sông lớn. Hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung tất cả các quy trình về vận hành liên hồ chứa, tổ chức giám sát việc vận hành bằng công nghệ tự động, điều tiết nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, giảm thiểu thiệt hại trước tình trạng hạn hán kéo dài. Đẩy mạnh kinh tế hóa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt đến nay đạt 9.354 tỷ đồng, trong đó số thu năm 2019 là 1.165 tỷ đồng. Thực hiện nội dung tham vấn đối với các Dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công và chủ động trong các đối sách của Việt Nam; xây dựng các giải pháp ứng phó phù hợp cho ĐBSCL.

Tăng cường điều tra xác định các tiềm năng khoáng sản chiến lược, phát huy nguồn tài nguyên khoáng sản cho phát triển. Xác định nhiều khu vực có tiềm năng khoáng sản mới (chì - kẽm, đá ốp lát, sheelit, khoáng hóa, khoáng chất công nghiệp, đá bán quý, sulphur đa kim... ở khu vực Tây Bắc), nhiều giá trị về địa chất (công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, công viên địa chất Đắk Nông). Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được chuyển hóa thành nguồn lực và đóng góp 0,2 điểm cho tăng trưởng chung,  tính từ ngày 01/01/2014 đến nay tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt của cả nước là 50.909 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 là 2.381 tỷ đồng. Tổng số tiền đã thu là 24.513 tỷ đồng, trong đó năm 2019 là 4.780 tỷ đồng.

Tập trung triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc để phát huy các lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Bộ đã xây dựng trình Chính phủ Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về giao khu vực biển, nhận chìm ở biển,... để thúc đẩy khai thác tiềm năng cho phát triển kinh tế biển, các vùng biển, trở thành khu vực phát triển năng động, một số tỉnh, thành phố đã trở thành cực tăng trưởng mới như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,...,

Công tác quản lý, BVMT đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Chính sách pháp luật về BVMT, đa dạng sinh học từng bước được hoàn thiện để đảm bảo phát triển KT-XH song hành với BVMT, chủ động kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm. Bộ đã thiết lập hàng rào kỹ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn để ngăn ngừa công nghệ lạc hậu chuyển dịch vào Việt Nam. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xác định các giải pháp tổng thể, đồng bộ để quản lý chất thải rắn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội trong giảm thiểu rác thải nhựa. Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông. Đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ cũng tích cực nâng cao chất lượng dự báo để các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh; đề xuất các giải pháp chiến lược để chủ động trong ứng phó với BĐKH. Cụ thể, đã dự báo xu thế thời tiết đến 10 ngày cho các khu vực, dự báo chi tiết thời tiết điểm đặc trưng cho từng thành phố, huyện, thị xã trên cả nước. Nâng thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới thêm 1-2 ngày so với quy định. Thực hiện dự báo mưa lớn định lượng, xây dựng bản đồ mưa độ phân giải 5x5km. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn để chủ động phòng tránh thiên tai góp phần giảm thiệt hại về người và vật chất.

Đặc biệt, Ngành đã chủ động đề xuất, thúc đẩy việc triển khai các quyết sách có tính hệ thống, chiến lược về ứng phó với BĐKH. Tổ chức thành công Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Triển khai điều tra, đánh giá sụt lún đất, hoàn thiện kịch bản BĐKH và đề xuất giải pháp thích ứng; khảo sát, nghiên cứu khảo sát, đánh giá một số nguyên nhân sạt lở bờ biển, đề xuất các giải pháp phòng chống, đặc biệt đối với các điểm cấp bách, nguy hiểm. Giám sát các yếu tố KTTV, hải văn, biến động bùn cát. Nghiên cứu giải pháp và triển khai chuyển đổi sản xuất quy mô lớn với mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên; giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế.

Cùng với đó là thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác đo đạc và bản đồ, viễn thám. Bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ. Phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành công tác kỹ thuật phân giới, cắm mốc tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác. Hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển; hoàn chỉnh Hệ quy chiếu, hệ tọa độ quốc gia Việt Nam, hệ tọa độ quốc gia 3D. Trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040 làm cơ sở cho đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong phát triển KT-XH, quản lý tài nguyên, BVMT, giám sát lãnh thổ.