Hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường”

Tin tức - Sự kiện 30/08/2020

Chỉ đạo hoàn thiện Đề án, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế tiếp tục diễn biến theo theo xu thế sâu hơn về nội dung và mức độ, rộng hơn về phạm vi và hình thức. Đây cũng vừa là cơ hội, tiềm năng; nhưng cũng vừa là thách thức đối với nước ta, do vậy việc chủ động xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, toàn diện nâng cao năng lực hội nhập quốc tế đối với các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó có lĩnh vực môi trường có vai trò rất quan trọng; không chỉ nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn giúp các doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.

 

Các đầu cầu tham gia cuộc họp trực tuyến

Thách thức từ hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước,  đó là năng lực đội ngũ cán bộ tham gia công tác hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về môi trường nói riêng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế của quá trình hội nhập; làm ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là thành viên; đồng thời làm giảm tính tích cực, chủ động của Việt Nam khi tham gia, đóng góp trong các hoạt động và sự kiện quốc tế. Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn lực đầu tư cho các hoạt động hội nhập quốc tế; xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, thực thi các cam kết và nghĩa vụ về môi trường...

Riêng đối với khối doanh nghiệp  tư nhân, trong quá trình hội nhập quốc tế về môi trường cũng đang gặp phải nhiều khó khăn về nguồn lực (nhân lực và tài chính) đầu tư công nghệ sản xuất và xử lý ô nhiễm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước liên quan đến môi trường, cũng như đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế về môi trường của Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trong nước và thị phần ở nước ngoài.

Đề án “Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường” cần thiết được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay và xu thế hội nhập quốc tế trong tương lai, đóng góp cho bảo vệ môi trường và hội nhập về kinh tế, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Cụ thể, việc tăng cường năng lực đáp ứng yêu cầu và điều kiện hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực môi trường sẽ thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn vốn nước ngoài, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đối với môi trường, hạn chế các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện tốt các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ môi trường còn góp phần nâng cao uy tín quốc gia và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tin cậy đối với các đối tác nước ngoài. Hơn nữa, việc tuân thủ các quy định trong nước về bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp phòng tránh được những rủi ro xuất phát từ việc nảy sinh các tranh chấp quốc tế liên quan đến các vấn đề môi trường hiện nay và trong tương lai.

Với ý nghĩa tích cực đó, Đề án “Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường” được xây dựng trên cơ sở quán triệt chủ trương, đường lối và định hướng về hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước. Đề án sẽ đưa ra những giải pháp có tính toàn diện nhằm tăng cường năng lực hội nhập quốc tế về môi trường cho cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp và người dân; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ về môi trường đã cam kết trong các khuôn khổ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhất trí cao với vai trò và tầm quan trọng của Đề án, phát biểu hoàn thiện nội dung Đề án, các đơn vị tham dự đề nghị chú trọng vào việc tăng cường năng lực thể chế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về lĩnh vực môi trường; có cơ chế khuyến khích các chuyên gia trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm thu hút khối tư nhân tham gia chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trong thời gian qua, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với vai trò là một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; đồng thời mang lại những lợi ích về nhiều mặt cho đất nước.

Ngày nay, việc hội nhập này tiếp tục diễn biến theo theo xu thế sâu hơn về nội dung và mức độ, rộng hơn về phạm vi và hình thức. Thứ trưởng cho rằng, đây cũng vừa là cơ hội, tiềm năng; nhưng cũng vừa là thách thức đối với nước ta, do vậy việc chủ động xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, toàn diện nâng cao năng lực hội nhập quốc tế đối với các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó có lĩnh vực môi trường có vai trò rất quan trọng; không chỉ nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn giúp các doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung các nhiệm vụ và hoàn thiện Đề án, trong đó quan tâm tới việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác hội nhập quốc tế; xây dựng kế hoạch tăng cường mạng lưới quan trắc của Việt Nam tham gia vào mạng lưới toàn cầu./.