Báo cáo tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050

Tin tức - Sự kiện 10/09/2020

Chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Cần đưa ra lộ trình xây dựng Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước gắn với với Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 90/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tát là Quy hoạch 90), các trạm quan trắc tài nguyên nước (TNN) Trung ương đã được xây dựng, vận hành và đang thực hiện đầu tư gồm: 26/56 trạm quan trắc TNN mặt độc lập, 19/113 trạm TNN mặt lồng ghép với trạm thủy văn; 52/71 trạm, 493/778 điểm và 1.061/1.557 công trình quan trắc TNN dưới đất; mạng địa phương chưa đưa vào Quy hoạch 90.

Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng vận hành trạm quan trắc TNN của tỉnh. Các công trình quan trắc chủ yếu là quan trắc nước dưới đất với tổng số khoảng 500 công trình.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhiệm vụ quy hoạch sẽ tập trung vào duy trì vận hành mạng quan trắc TNN quốc gia đã và đang đầu tư xây dựng; tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các trạm quan trắc TNN mặt (30 trạm độc lập và 94 trạm kết hợp trạm thủy văn), trạm quan trắc TNN dưới đất (19 trạm, 286 điểm, 484 công trình) thuộc danh sách trạm quan trắc TNN đã được phê duyệt tại Quy hoạch 90; và các trạm quan trắc thuộc mạng quan trắc TNN của các địa phương đã được phê duyệt.

Đồng thời, Quy hoạch cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh, bổ sung các trạm quan trắc TNN độc lập, kết hợp với trạm thủy văn để đảm bảo việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các nguồn nước mặt liên quốc gia, liên tỉnh và các nguồn nước nội tỉnh quan trọng; các trạm quan trắc mực nước, chất lượng nước của các tầng chứa nước liên tỉnh hoặc có tiềm năng lớn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cũng kiến nghị hai phương án thực hiện. Theo Phương án 1, mạng quan trắc gồm: Danh mục trạm nước mặt độc lập đã đang xây dựng và rà soát bổ sung các trạm độc lập chưa thực hiện; Danh mục trạm nước dưới đất đã đang xây dựng và rà soát bổ sung các trạm độc lập chưa thực hiện; Danh mục trạm quan trắc địa phương chỉ đưa vào các sông cần quan trắc, bảo đảm theo mục đích quan trắc. Phương án 2, mạng quan trắc gồm: các các Danh mục nội dung như Phương án 1 và bổ sung thêm Danh sách trạm thủy văn kết hợp TNN; môi trường kết hợp TNN. Với phương án này, Cục sẽ làm việc với Tổng cục Môi trường và Tổng cục Khí tượng thủy văn để thực hiện rà soát, đề xuất cụ thể.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao ý kiến trao đổi thẳng thắn, cụ thể trên cơ sở khoa học của các đại biểu tham dự họp. Thứ trưởng rằng, qua hai kỳ làm quy hoạch quan trắc tài nguyên và môi trường, thì Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được quy định tại Luật Quy hoạch, do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ để đưa ra lộ trình xây dựng Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước gắn với với Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh.

Quy hoạch điều tra cơ bản TNN cần làm song song với Quy hoạch TNN quốc gia và Quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh. Cục Quản lý tài nguyên nước cần đưa ra lộ trình thực hiện gắn với hai quy hoạch trên”- Thứ trưởng chỉ đạo.

Thứ trưởng đề nghị, trong Quy hoạch điều tra cơ bản TNN phải được xây dựng cụ thể và cơ bản; làm cơ sở cho kế hoạch trung hạn trong 5 năm tới, cũng như định hướng trong 10 năm, 20 năm tới về công tác TNN; là số liệu phục vụ kỳ Quy hoạch TNN tiếp theo.

Thứ trưởng chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì tham mưu, báo cáo Bộ trưởng, Ban cán sự về chủ trương chung, chỉ đạo xuyên suốt của Bộ về quy trình làm quy hoạch điều tra cơ bản; cách thức phối hợp, lồng ghép mạng lưới quan trắc các lĩnh vực do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.