Hoàn thiện báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Tin tức - Sự kiện 21/08/2020

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành tại cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị báo cáo về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến

Tham dự cuộc họp tại các đầu cầu có đại diện Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

Báo cáo tại cuộc họp, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các Bộ, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá toàn diện nguyên nhân hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đề xuất giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng khung “Báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp” với 3 phần chính: (i) Hiện trạng về nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn ĐBSCL (tập trung đánh giá, phân tích về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL và các nguyên nhân); (ii) Dự báo xu thế nguồn nước, xâm nhập mặn trong những năm tới (do khai thác sử dụng nước thượng nguồn, biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nội đồng…); (iii) Giải pháp ứng phó, bao gồm các giải pháp đã thực hiện và đề xuất giải pháp ngắn hạn, dài hạn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng sẽ tập trung đánh giá được công tác phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL như: đánh giá tình hình hợp tác với các nước khu vực Mê Công và các kênh hợp tác, các diễn đàn khu vực và quốc tế liên quan và đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác đảm bảo sử dụng nước công bằng và hợp lý giữa các quốc gia lưu vực sông Mê Công; đánh giá diễn biến hạn, mặn Vùng ĐBSCL những năm qua và năm 2020; những ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến hoạt động giao thông đường thủy, tình hình cấp nước và hạ tầng đô thị và những ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân vùng ĐBSCL…

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cơ bản thống nhất với các nội dung khung của “Báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp”.

Để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Thứ trưởng cho rằng, Báo cáo phải đánh giá được toàn diện, tổng thể các vấn đề tài nguyên nước nói chung và vấn đề tài nguyên nước vùng ĐBSCL nói riêng; đánh giá toàn diện các nguyên nhân và đề xuất được các giải pháp hiệu quả, khả thi để giải quyết được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cho khu vực.

Về công tác dự báo, chỉ đạo điều hành chống hạn mặn vừa qua đối với ĐBSCL, mặc dù tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là sự chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương vùng ĐBSCL đã được triển khai thực hiện rất tốt; thiệt hại do hạn mặn mùa khô năm nay được giảm thiểu đáng kể. “Tuy nhiên, đối với việc xây dựng báo cáo trình Chính phủ thì số liệu hạn mặn không chỉ là số liệu tổng hợp trong các năm 2016 và 2020 mà cần có bộ số liệu đánh giá tại ĐBSCL trong khoảng từ 20 đến 30 năm trở lại đây để có thể phân tích, đánh giá chuỗi số liệu về những biến động về lũ, hạn, bùn cát,…” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Để hoàn thiện báo cáo cần có sự tham gia, vào cuộc quyết liệt của các Bộ và các cơ quan liên quan như: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, “trong quá trình xây dựng báo cáo Cục Quản lý tài nguyên nước cần khẩn trương, tích cực trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để bảo đảm các thông tin đánh giá, đề xuất toàn diện. Cục cũng cần trao đổi, tham vấn với các chuyên gia am hiểu về tài nguyên nước vùng ĐBSCL để tận dụng, kế thừa các nghiên cứu phục vụ cho công tác xây dựng báo cáo, đưa ra các giải pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả” – Thứ trưởng chỉ đạo./.