Xây dựng Bộ luật BVMT mới xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới

Tin tức - Sự kiện 21/08/2020

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh rằng: Một số ý kiến thẩm tra cho rằng BVMT trong giai đoạn mới phải ở mức cao hơn, toàn diện hơn. Do đó, đề nghị có thể nâng cấp thành một Bộ luật BVMT mới xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường với mục đích xây dựng được một đạo luật về bảo vệ môi trường (BVMT) có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, khắc phục sự phân tán, chồng chéo; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mới được ban hành trong thời gian qua, giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường, ngăn chặn được tình trạng mất cân bằng sinh thái.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Với dự án này, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành.

BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, được tính đến ngay từ quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho đến thiết kế dự án. BVMT phải lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

Bên cạnh đó, Luật BVMT là luật cơ bản, quy định toàn diện, tổng hợp, thống nhất các nội dung về BVMT, khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các luật có liên quan. Luật BVMT phải tạo được nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, phù hợp song phải khắc phục được mặt trái của kinh tế thị trường.

Đồng thời, sẽ thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước từ mệnh lệnh hành chính rườm rà, phức tạp sang vai trò kiến tạo thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường chế tài xử lý; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động BVMT, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm. Thống nhất quản lý nhà nước về BVMT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh rằng: Một số ý kiến thẩm tra cho rằng BVMT trong giai đoạn mới phải ở mức cao hơn, toàn diện hơn. Do đó, đề nghị có thể nâng cấp thành một Bộ luật BVMT mới xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng báo cáo tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Luật BVMT năm 2014 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với những thách thức mới đặt ra. Do đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng  việc sửa đổi Luật BVMT năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp hơn với thế và lực mới cao hơn nhiều của đất nước; nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH.

Theo ông Phan Xuân Dũng, hồ sơ dự án Luật của Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật BVMT từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật BVMT (sửa đổi). Theo đó, từ 07 nhóm chính sách ban đầu, Chính phủ bổ sung 06 nhóm chính sách mới, kèm theo Báo cáo đánh giá tác động của cả 13 nhóm chính sách.

Do vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, với những đề xuất sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì việc mở rộng thành dự án Luật BVMT (sửa đổi) là phù hợp; đồng thời, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất phương án trình Quốc hội dự án Luật BVMT (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát, thể chế hóa yêu cầu về hoạt động BVMT trong các Nghị quyết của Đảng; Bộ Chính trị; thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với quan điểm sửa đổi là chuyển các nội dung về BVMT còn rải rác ở các luật khác về luật chuyên ngành BVMT như quy định tại điều 190 của Dự thảo luật.

Tuy nhiên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.