Ngành TN&MT khẳng định được vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH

Tin tức - Sự kiện 29/08/2020

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá: Nhờ những nỗ lực giải quyết bài bản, khoa học những tồn tại từ trước đây, từng bước hóa giải các thách thức phát sinh, toàn Ngành đã khẳng định được vị trí, vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, Ngành cũng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, nền tảng để cùng với đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

 

Điểm qua những thành tựu nổi bật của toàn ngành TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đến nay Ngành đã hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 Nghị quyết quan trọng của Đảng về đất đai, biển đảo và ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Bộ Chính trị ban hành Kết luận về tăng cường quản lý đất đai, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

Hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn thu từ đất hàng năm chiếm trung bình 12% thu ngân sách nội địa, riêng trong năm 2019 đạt 172 nghìn tỷ đồng; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt khoảng 5 nghìn tỷ/năm, từ tài nguyên nước hơn 1,16 nghìn tỷ đồng/năm.

Tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch treo, dự án treo ở các đô thị được giải quyết hiệu quả (chỉ tính riêng trong năm 2019, xử lý hơn 1.300 dự án với 18,8 nghìn ha đất); hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường.

Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động với mức đóng góp trên 60% GDP cả nước. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận... đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành những trung tâm kinh tế biển của đất nước.

Công tác quản lý, BVMT đã được đổi mới từ nhận thức đến hành động, từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, chủ động kiểm soát, phòng ngừa. Các giải pháp tổng thể, đồng bộ được xác định nhằm quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông đang được quyết liệt triển khai.

Trình độ dự báo thời tiết, khí hậu, các loại hình thiên tai đã tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới, góp phần chủ động ứng phó với các tác động do BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, qua đó, giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân.

Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử đã được đẩy mạnh: 80,1% thủ tục hành chính được đơn giản; 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh được bãi bỏ, thay thế, qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm.

Để có được kết quả trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, các Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã luôn quan tâm, phối hợp hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao; trân trọng cảm ơn và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành.

Ghi nhận những kết quả của ngành TN&MT, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, ngành TN&MT đã khẳng định được vị trí, vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Phan Xuân Dũng cho rằng, các kết quả trên, Bộ TN&MT đã thể hiện được sự phối hợp gắn kết, nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các cơ chế chính sách, khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, BVMT cho phát triển bền vững.

Các điểm cầu tham gia đóng góp ý kiến cho Hội nghị 

Hội nghị trực tuyến đã lần lượt nghe ý kiến của các đồng chí: Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Cạn; Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Dương Xuân Hoà, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những vấn đề của các địa phương sẽ được Bộ TN&MT ghi nhận chi tiết và có đề xuất hướng xử lý phù hợp. Thông qua Hội nghị này, Bộ đã nhận thấy sự thay đổi rất lớn trong quan điểm, tư duy của các địa phương trong công tác BVMT:  Đã đến lúc, chúng ta không thể hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, áp đặt sự phát triển thiếu bền vững lên sức chịu tải của tự nhiên. Đã đến lúc, phải đảm bảo chất lượng môi trường và đảm bảo quyền được sống trong môi trường của người dân.

Sự thay đổi có tính chất cách mạng trong công tác BVMT chỉ thực hiện được khi và chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương. Sự kết hợp này thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các cơ chế chính sách, khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, BVMT cho phát triển bền vững đất nước./.