Doanh nghiệp phục hồi nền kinh tế

Tin tức - Sự kiện 19/08/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Tham dự Hội nghị, về phía điểm cầu Bộ TN&MT có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành, cùng Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ.

 

Thủ tướng : Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế. Ảnh Quang Hiếu

Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

Hội nghị được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các Bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Tại Hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là Báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Báo cáo tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Hội nghị đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với tinh thần mà theo Thủ tướng, thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, chứ không “than nghèo, kể khổ”. Nỗi khổ, khó khăn của doanh nghiệp thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu (thể hiện qua hàng loại gói hỗ trợ được đưa ra thời gian qua). Tiếp đó, các bộ, ngành, địa phương trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt nêu rõ được những hỗ trợ đối với doanh nghiệp.

Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp được tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ với mục đích lắng nghe ý kiến của “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế” để tháo gỡ rào cản, mở đường cho lực lượng này tiến lên. Có thể nói, nhờ các hội nghị đối thoại, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nền tảng và cảm hứng cho phong trào cải cách ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương như hiện nay.

Theo VCCI, sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI chuyển đến các bộ, ngành đã đạt 45%. Sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành đã đạt khoảng 80%.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được đẩy lùi ở nước ta, sẽ thôi thúc một tinh thần cách mạng, yêu nước của người dân và doanh nghiệp cũng như khẳng định với thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm trong môi trường, điều kiện mới để đưa đất nước tiến lên.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: Quang Hiếu 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch mang tên COVID-19 gây ra. Hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như đại dịch COVID-19” - Thủ tướng nói.

Trên phương diện kinh tế, khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế từ từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ nội thương đến ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động cho đến thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ đến ô tô, từ các nước đang phát triển đến quốc gia phát triển, bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi tác động.

“Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, Thủ tướng nói.

Để ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng lên trở lại

Trên phương diện y tế, mô hình chống dịch của Việt Nam được nhiều nước, tổ chức quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao. Tại sao chúng ta có thể thành công như vậy? Trước hết đó là do dân tộc ta đã có sẵn chất đề kháng của tinh thần đoàn kết, tiếp đó là tính kỷ luật và tuân thủ của người dân. Điều này cho thấy một chân lý, đó là nếu mỗi người chấp nhận hy sinh một phần nhỏ lợi ích của mình thì tất cả đều được lợi. Mặt khác, Đảng, Nhà nước đã có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng vì chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19 trong thời gian qua, cơ bản đẩy lùi COVID-19 ở Việt Nam.

Trên phương diện kinh tế, mặc dù phải tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội, sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của các nước phát triển ngay thời kỳ thuận lợi.

Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực như những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn.

Thủ tướng nhắc lại khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”.

Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Để cụ thể hóa chiến thuật đó, Thủ tướng mong muốn Hội nghị này phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén giờ bật lên để phát triển. “Việt Nam chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”.

Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế

Chống trì trệ như chống dịch

Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển” – Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, một tinh thần dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân.

 Tại điểm cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành chủ trì buổi họp trực tuyến

6 đề nghị với doanh nghiệp

Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đưa ra 6 lời đề nghị.

Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ. Hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau. Ba làkhông nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Bốn là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội. Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau. Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Nhắc lại dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đang được trình đặt ra một tầm nhìn rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh không làm chúng ta thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này.

Sau thời gian giãn cách xã hội, có lẽ các lãnh đạo doanh nghiệp đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới của doanh nghiệp của mình. Thiết nghĩ đây là cơ hội “trăm năm 1 thuở” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội này trước hết là dành cho doanh nghiệp trong nước, nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng, không nắm bắt được cơ hội đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy” - Thủ tướng nhắc.

Nhắc lại rằng tháng Năm là một trong những tháng đẹp nhất trong năm, tháng sinh nhật Bác, Thủ tướng trích dẫn hai câu thơ trong bài thơ “Tự khuyên mình” của Bác, như để động viên chúng ta mỗi lúc gặp khó khăn: “Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”.

Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận

Sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam.

Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ hội cho Việt Nam nếu biết quản lý Nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt.

Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là, các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Hai là, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Ba là, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các cơ quan liên quan đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có Nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Các Bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó “có một vài ý lớn mà các doanh nghiệp đều nói, đó là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục”. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Một số vấn đề lớn mà các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp. “Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.

Nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi phát triển, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp vì không có hạ tầng thì khó phát triển.

Các hiệp hội đóng vai trò tập hợp thông tin, đặc biệt là những thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ về quản lý để áp dụng nhanh vào các doanh nghiệp thuộc hiệp hội mình.

Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc.

Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.