Cơ sở dữ liệu phải phục vụ nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp

Tin tức - Sự kiện 04/09/2020

"Cơ sở dữ liệu phải phục vụ nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp, vì vậy phải tính đến xã hội hóa cho phù hợp" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nêu vấn đề tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Dự thảo Chiến lược được xây dựng với các quan điểm phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của ngành Đo đạc và Bản đồ (ĐĐ&BĐ) nói riêng, đã được quy định tại Luật Đo đạc và Bản đồ.

Về mục tiêu từ nay đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được của Chiến lược phát triển Ngành ĐĐ&BĐ đến năm 2020; những vấn đề cần tiếp tục phát triển đảm bảo có sự kế thừa, chuyển tiếp, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu sản phẩm ĐĐ&BĐ đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ xây dựng, vận hành hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; đồng thời trên cơ sở khung mục tiêu theo khuyến cáo của Liên hợp quốc về xây dựng, vận hành hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, Chiến lược đã đề ra 06 mục tiêu lớn vừa đảm bảo nhiệm vụ của Ngành, vừa bảo đảm tính khả thi trong tổ chức triển khai thực hiện của giai đoạn đến năm 2030.

Ông Hoàng Ngọc Lâm – Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Về tầm nhìn đến năm 2040, ông Hoàng Ngọc Lâm cho biết: Để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững của Ngành, dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển Ngành với trình độ cao, chủ động trong công nghệ, phương tiện thu nhận, xây dựng, cập nhật thông tin, dữ liệu sản phẩm ĐĐ&BĐ ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước phát triển trên thế giới.

Đối với việc xây dựng, vận hành Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo được cập nhật, quản lý vận hành, trao đổi, tạo dựng, duy trì giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ liên tục, cung cấp thông tin không gian được tích hợp nhằm tối đa hóa việc ra quyết định về phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quản lý môi trường, quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội; kết nối mạng dữ liệu không gian của Việt Nam với mạng dữ liệu không gian toàn cầu.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, dự thảo Chiến lược đã nêu ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó các giải pháp đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu mà Chiến lược phát triển Ngành ĐĐ&BĐ Việt Nam đến năm 2020 đã đạt được; những yêu cầu đặt ra cho Ngành trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cảm ơn và đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu là thành viên Ban soạn thảo, đại diện các Bộ, ngành, địa phương.

Nhấn mạnh về vai trò và quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng Chiến lược này, Thứ trưởng cho biết, Bộ mong muốn cơ sở dữ liệu về đo đạc bản đồ và hạ tầng không gian địa lý cũng như cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường đang có sẽ được cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân có nhu cầu.

"Đây là nguồn “cơ sở dữ liệu sống”, chuẩn xác, giúp các bộ, ngành không phải đầu tư kinh phí làm lại, nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, tạo sự quản lý chung cho Ngành và các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ sở dữ liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói.  

Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Chiến lược, trong đó phải làm rõ về quan điểm, mục tiêu của Chiến lược, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung như phát triển nguồn nhân lực Ngành, về hợp tác quốc tế, về xã hội hóa trong hoạt động ĐĐ&BĐ…. bảo đảm để cơ sở dữ liệu phục vụ nhân nhân, cộng đồng và doanh nghiệp.

Khi có cơ sở dữ liệu phải phục vụ nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp, vì vậy phải tính đến xã hội hóa cho phù hợp”- Thứ trưởng nhấn mạnh.