Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm

Tin tức - Sự kiện 11/09/2020

Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm. Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy.

 

Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhấn mạnh quan điểm không chấp nhận hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, người Việt Nam được quyền sống trong môi trường trong lành. Muốn vậy, phải làm sao đón đầu dự án, tạo ra sản phẩm tốt từ nguồn vốn, dẫn dắt để phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại buổi thảo luận 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật sửa đổi lần này đã cắt giảm 40% thủ tục hành chính, nhưng không buông lỏng vấn đề môi trường. “Những lĩnh vực có tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sẽ được khoanh lại với 17 nhóm quy định trong luật này. Từ đó quy định vấn đề hậu kiểm thay cho tiền kiểm. Cắt giảm 40% thủ tục hành chính là cắt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng cho hay.

Còn về phân cấp quản lý, theo Bộ trưởng, sau này sẽ xác định luôn. Lĩnh vực gì thuộc về Quốc hội, Chính phủ, dự án lớn thì Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm. Còn dự án nào về an ninh quốc phòng do Bộ Quốc phòng và Công an phụ trách; các bộ, ngành khác không tổ chức bộ máy, nhân lực.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vấn đề môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường.

Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm. Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy.

Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 cụ thể hóa các quy định của Luật, Thủ tướng đặt vấn đề, nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.

Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.