Hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý đất đai

Tin tức - Sự kiện 15/08/2020

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiêm vụ công tác các tháng cuối năm 2020, Thứ trưởng Lê Minh Ngân chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng thể chế, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI ngày 31/10/2012; tổ chức tổng kết thi hành Luật đất đai 2013, trên cơ các kiến nghị, các định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, làm căn cứ để sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013... 

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Hoàng Minh)

Công tác xây dựng chính sách, pháp luật đạt kết quả tích cực

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, trong 6 tháng đầu năm, về công tác xây dựng chính sách, pháp luật, Tổng cục đã hoàn thành công tác tổng kết và xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013; hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ; tham mưu cho Ban cán sự đảng Bộ TN&MT báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương; tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định số 06/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai; Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai. 

Riêng Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, do các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, do vậy Tổng cục đã tham mưu cho Bộ trưởng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đồng ý không ban hành Nghị định này mà thực hiện theo quy định của Nghị định 45/2020/NĐ-CP để đảm bảo tính đồng bộ. 

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành những văn bản kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai góp phần kịp thời đón làn sóng đầu tư sau dịch Covid; tạo hành lang pháp lý trong việc đẩy mạnh tập trung tích tụ về đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; xây dựng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất trên địa bàn cả nước…

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Minh)

Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, Tổng cục tổ chức thực hiện và hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 về lập nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch. Tham mưu cho Bộ điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất, nhằm chuẩn bị đủ quỹ đất thu hút làn sóng chuyển dịch đầu tư; báo cáo Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030.

Liên quan đến công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, Tổng cục đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, trong đó đã cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc về thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với nhà đầu tư trúng thầu dự án có sử dụng đất. Đồng thời, Tổng cục đã tham mưu Bộ kiến nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư công nằm trong danh mục các công trình, dự án kèm theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, kết quả đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên (các loại tỷ lệ bản đồ); tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai trình bày báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Minh)

Về đo đạc, cấp giấy chứng nhận đất nông, lâm trường, đã hoàn thành báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 15/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng. Tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện nội dung Đề án tại địa phương đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đến nay, 100% các huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau, trong đó có 185/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên 46 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Về công tác giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng và ban hành Bảng giá đất để thực hiện trong 05 năm (2020 - 2024). Kết quả đến này 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành.

Về bồi thường hỗ trợ tái định cư, đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NDD-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đặc biệt đã tham mưu Bộ và chủ động phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 09/3/2020 về việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả: Số đơn vị cấp xã đã hoàn thành đạt 73% tổng số xã; số đơn vị cấp huyện đã hoàn thành đạt 38,1 % tổng số huyện.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai thông qua đường dây nóng của Tổng cục. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành phố thực hiện xử lý thông tin và tổ chức thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đối với các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận trên địa bàn cả nước; chuẩn bị và trả lời kiến nghị cử tri, đại biểu Quốc hội; hoàn thành trả lời ý kiến công dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường đúng thời hạn.

Tiếp tục thực hiện các hạng mục công việc, chỉnh lý, sắp xếp, lưu trữ và bảo quản kho tư liệu đất đai; đẩy mạnh, chuyển giao việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động quản lý, sử dụng đất; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về điều tra, đánh giá đất; dự án điều tra để xây dựng khung giá đất; các đề tài khoa học… bám sát tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Phấn đấu hoàn thành 100% văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Trong 6 tháng cuối năm 2020, Tổng cục sẽ tiếp tục nỗ lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch Bộ TN&MT giao; hoàn thành 100% văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, tổ chức thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Cụ thể: Tổ chức thực hiện theo kế hoạch các nội dung chuẩn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trình Ban cán sự đảng Chính phủ vào tháng 10 và trình Bộ Chính trị vào tháng 12 năm 2020; hoàn thành và trình Bộ trưởng ban hành 02 Thông tư phục vụ cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế; nhân rộng việc thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường;

Tổ chức triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh; tiếp tục tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất theo đề xuất của các địa phương có phát sinh nhu cầu cấp thiết sử dụng đất để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện cho giai đoạn 2021-2030 và tích hợp vào quy hoạch tỉnh đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất....

 

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Hoàng Minh)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Quản lý đất đai trong 6 tháng đầu năm 2020. Để hoàn thành tốt Chương trình công tác trong các tháng cuối năm 2020, về công tác chỉ đạo điều hành, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị Lãnh đạo Tổng cục và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đất đai, Thứ trưởng đề nghị tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan bám sát việc ban hành các Nghị định, đề án, dự án đã trình Chính phủ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các nội dung dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành để trình Bộ trưởng ban hành kịp thời, nhằm triển khai, đưa các văn bản, chính sách này vào ngay thực tiễn cuộc sống.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI ngày 31/10/2012; tổ chức tổng kết thi hành Luật đất đai 2013, trên cơ các kiến nghị, các định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, làm căn cứ để sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013. Tổ chức triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh. Tập trung triển khai Đề án tăng cường quản lý đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; Đề án Hoàn chỉnh việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận cho các huyện biên giới; Dự án VILG… Chủ động phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án; giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...