Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề đất đai

Tin tức - Sự kiện 12/08/2020

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội về báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề đất đai.

 

Bộ TN&MT làm việc với đoàn công tác của Quốc hội về báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 15/11/2015 và Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, xây dựng các chính sách để triển khai thực hiện hiệu quả hai Nghị quyết này.

Đến nay, đã tiến hành rà soát 275 công ty, trong đó: giữ lại là 257 công ty (124 công ty nông nghiệp, 133 công ty lâm nghiệp; 97 công ty do Trung ương quản lý, 160 công ty do địa phương quản lý). Diện tích các nông, lâm trường dự kiến bàn giao về địa phương theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 là 465.029 ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương từ trước đến nay đạt 1.086.594 ha (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565 ha, theo Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha).

43/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất đo đạc lập bản đồ địa chính; đã thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất cho 117/257 công ty…

Mặc dù đã thực hiện được một số kết quả nêu trên, song hiện vẫn còn bất cập, hạn chế cần phải được nhận diện, để giải quyết như: Hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường vẫn còn kém hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai; nguồn lực đất đai chưa thực sự được phát huy; vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá, nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao… Để giải quyết căn cơ, đồng bộ vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị một số nội dung sau: Đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí để hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các địa phương bảo đảm việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, do địa bàn này nằm hầu hết ở các tỉnh có khó khăn về ngân sách, hàng năm ngân sách Trung ương phải hỗ trợ, hơn nữa đối tượng thụ hưởng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí chiến lượng về quốc phòng, an ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản, cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện, trong bối cảnh nông lâm trường chuyển đổi, cổ phần… qua đó khoanh định diện tích các nông lâm trường, rà soát, cấp giấy chứng nhận; cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất nông lâm trường để quản lý, sử dụng hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại cuộc họp

Thứ trưởng Lê Minh Ngân kiến nghị, về chính sách cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội để hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nông lâm trường; về tái cơ cấu doanh nghiệp nông lâm trường, do nông lâm trường quản lý nhiều loại đất, nhiều nơi có cả đất rừng phòng hộ, đất tự nhiên, rừng đặc dụng do đó nếu trong quá trình chuyển đổi theo hướng cổ phần nếu không tính đến sẽ khiến chuyển sở hữu đất từ Nhà nước sang sở hữu tư nhân. “Luôn phải giữ Nhà nước nắm cổ phần chi phối, kể cả diện tích đã rà soát đưa vào phương án sử dụng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chi tiết, đầy đủ, bám sát đề cương và những nhận định đánh giá rất khách quan và phản ánh đúng thực trạng tình hình hiện nay trong trách nhiệm quản lý nhà nước.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại cuộc họp

Đồng chí Hà Ngọc Chiến cũng đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai rằng từ khi có Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội đã có sự đột phá trong quản lý đất đai nông lâm trường, trong đó có sự đóng góp lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho Chính phủ các nghị định, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là nhấn mạnh việc chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, những hạn chế và chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong nhiệm vụ cụ thể được giao.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị bổ sung, tiếp thu thêm các ý kiến trong cuộc họp để hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc. Trong đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vấn đề lớn như vấn đề quản lý và sử dụng kém hiệu quả, không phát huy được nguồn lực đất đai từ đất nông lâm trường; phần đất giao cho địa phương sử dụng không đúng mục tiêu ban đầu; xây dựng các giải pháp để có được nguồn lực kinh phí đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra trong hai Nghị quyết; xây dựng chính sách tầm quốc gia để giải quyết vấn đề đáp ứng đủ diện tích đất để sản xuất, xây dựng nguồn sinh kế cho đồng bào…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng tiếp thu những ý kiến, kết luận của Đoàn. Đồng thời khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai có hiệu quả cao, hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu các chương trình, nội dung Đoàn làm việc.