Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn về BVMT

Tin tức - Sự kiện 07/09/2020

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVTM sửa đổi. Sửa đổi Luật đa dạng sinh học và xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật đa dạng sinh học sửa đổi…. là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nhiệm kỳ 2021-2025.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn về BVMT

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVTM sửa đổi. Sửa đổi Luật đa dạng sinh học và xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật đa dạng sinh học sửa đổi. Rà soát, hoàn thiện và xây dựng mới Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường đảm bảo phù hợp các quy định mới và trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý về môi trường và đa dạng sinh học như: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng sản phẩm và vật liệu tái chế đối với từng loại hình sản xuất tái chế từ các loại chất thải rắn; về quản lý chất thải nhựa; về quản lý phế liệu nhập khẩu. Ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý chất thải. Ban hành các đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện lưu chứa, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và quy trình đóng bãi sau khi kết thúc hoạt động. Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng không khí, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường

Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng. Thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 và số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm tồn lưu, phục hồi môi trường tại các ao, hồ, kênh, mương, đoạn sông trong đô thị, các vùng bị tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, nhiễm độc đioxin. Tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại

Rà soát, đánh giá và xây dựng thử nghiệm các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hiện nay tại các địa phương; nâng cấp, cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi chôn lấp rác thải; Xây dựng cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tăng cường các hoạt động thu gom, xử lý phân bùn bể tự hoại đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; ưu tiên áp dụng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ và tận thu năng lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Điều tra, đánh giá tình hình thu gom, xử lý và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý chất thải có thể tái chế, như: chất thải nhựa; chất thải điện tử; tro, xỉ thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón ở Việt Nam.

Tăng cường việc tái chế, tái sử dụng chất thải nguy hại; Xây dựng các cơ sở xử lý, tái chế chuyên sâu đối với các loại chất thải nguy hại đặc thù đồng thời với việc phát triển các cơ sở xử lý có khả năng tái chế, xử lý đa dạng các loại chất thải nguy hại khác nhau; tăng cường việc chuyển giao chất thải giữa các cơ sở xử lý chất thải để tận dụng thế mạnh của mỗi cơ sở trong quá trình xử lý; Tăng cường các hoạt động thu gom, xử lý các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp; Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, sự cố phóng xạ hạt nhân trong các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, lưu giữ, kho chứa hóa chất, chất phóng xạ.

Quản lý chất lượng môi trường

Thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trong khuôn khổ thực hiện các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí. Xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá sức chịu tải nguồn nước mặt lục địa và xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông hồ, liên tỉnh

Đánh giá chất lượng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất hóa chất, khu vực khai thác khoáng sản đã đóng cửa hoặc di dời trên phạm vi toàn quốc, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cải tạo phục hồi môi trường đất và đề xuất phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với một số khu vực bị ô nhiễm. Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các chất POP, PTS và nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa các chất POP, PTS. Khảo sát, đánh giá, xác định các tác nhân, nguy cơ gây rủi ro đến môi trường và sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp phòng ngừa và quản lý các tác nhân theo vòng đời để tăng cường công tác quản lý sức khỏe môi trường.

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Lập và triển khai các nhiệm vụ ưu tiên của Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện và triển khai nhiệm vụ trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Triển khai các quy định của Luật đa dạng sinh học; nội dung bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong Luật bảo vệ môi trường sửa đổi.

Quan trắc, thông tin, báo cáo môi trường

Thực hiện các chương trình quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường, đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, thông tin dữ liệu và phân tích môi trường. Xây dựng các báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và ở các ngành, các cấp; cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.

Tăng cường năng lực quản lý môi trường

Tăng cường năng lực tổ chức cơ quan chuyên môn và cán bộ về bảo vệ môi trường. Hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp; Xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường; Giới thiệu nhân rộng các mô hình điển hình. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức môi trường cho cán bộ làm công tác môi trường ở các ngành, các cấp và các địa phương. Xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực môi trường.

Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường

Xây dựng và triển khai các dự án đầu tư thu gom, xử lý rác thải, hệ thống tiêu thoát nước, nghĩa trang, ao hồ sinh thái khu vực nông thôn; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có tại các đô thị. Xây dựng và triển khai dự án đầu tư hoàn thiện hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia, hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, môi trường không khí tại các đô thị lớn, nước mặt tại các lưu vực sông chính. Xây dựng và triển khai dự án đầu tư công trình xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; khu công nghệ cao…

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tổ chức các ngày lễ kỷ niệm về bảo vệ môi trường như ngày môi trường thế giới, ngày quốc tế đa dạng sinh học...

Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

Xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) liên quan đến dịch vụ môi trường. Thực hiện tốt các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết; chủ động đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế mới về môi trường; ban hành hướng dẫn nội dung bảo vệ môi trường trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đặc biệt là đa dạng sinh học nhằm thu hút các nguồn lực mới cho bảo vệ môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các đối tượng có phát sinh, lưu giữ và xử lý chất thải rắn công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.