Lồng ghép các nhiệm vụ về giới trong công tác biển đổi khí hậu

Tin tức - Sự kiện 07/09/2020

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với Chính phủ, các cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế để lồng ghép các nhiệm vụ về giới trong công tác biến đổi khí hậu.

Bộ đã phối hợp với Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các tổ chức quốc tế (UNWOMEN, GIZ, CCWG) lồng ghép các nội dung về giới vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hiện nay, nội dung đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua để các bộ, ngành, địa phương thực hiện đến năm 2030.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã nêu quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói, giảm nghèo. Triển khai thí điểm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, đối với một số lĩnh vực, ngành, địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như: tài nguyên nước, nông nghiệp, sức khỏe, sinh kế, vùng đồng bằng và dải ven biển.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, với mục tiêu cụ thể đã nêu rõ đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra một số dự án liên quan đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Mặc dù, Chương trình chưa nêu cụ thể vấn đề giới nhưng đã tạo nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới qua các hoạt động/dự án tăng cường tính chống chịu tại các địa phương được thụ hưởng.

Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (năm 2016) với 68 nhiệm vụ, trong đó có việc thực hiện lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn da dạng sinh học, sử dụng kiến thức bản địa, ưu tiên cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.

Thông báo quốc gia lần thứ 3 của Việt Nam gửi UNFCCC (năm 2018) có riêng nội dung về bình đẳng giới, miêu tả tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và đề xuất một số biện pháp ứng phó.