Kết quả thực hiện Quy hoạch 16 và những vấn đề tồn tại

Tin tức - Sự kiện 07/09/2020

Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Quy hoạch 116) đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời theo thực tiễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại cần điều chỉnh.

Trước năm 2007, chưa có Quy hoạch về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Công tác điều tra cơ bản địa chất nói chung, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nói riêng được thực hiện theo kế hoạch 3 năm, 5 năm, 10 năm và theo nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp. Năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản (1996) của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 46/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 (gọi tắt là Luật khoáng sản 2005) được ban hành đã bổ sung Điều 3b về Quy hoạch khoáng sản như sau:

Điều 3b. Quy hoạch khoáng sản

1. Quy hoạch khoáng sản được lập theo vùng lãnh thổ và theo loại khoáng sản, bao gồm:

a) Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản;

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

2. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khoáng sản được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Triển khai thực hiện Điều 3b của Luật khoáng sản 2005, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng "Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành tại Quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 (gọi tắt là Quy hoạch 116).

Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở 03 quan điểm như sau: (1) Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản là việc đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất theo quy hoạch, kế hoạch được Nhà nước giao phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; (2) Công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản cần được thực hiện đi trước một bước và phải tiến hành đồng thời với điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất môi trường, địa chất tai biến, địa chất khoáng sản biển, nghiên cứu các chuyên đề về địa chất và khoáng sản trên toàn lãnh thổ và lãnh hải; ưu tiên thực hiện ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; (3) Tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, cần được đầu tư điều tra, phát hiện và đánh giá tiềm năng khoáng sản ở trên mặt, dưới sâu theo từng loại khoáng sản hoặc nhóm khoáng sản; đồng thời, phải có chính sách, biện pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm và lâu dài.

Quy hoạch 116 đề ra 3 Mục tiêu chính: (1) Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 đạt 90% diện tích phần đất liền và tỷ lệ 1/500.000 ở phần lãnh hải đến độ sâu 100m nước, tỷ lệ 1/50.000 đến 1/100.000 một phần diện tích biển đới ven bờ đến độ sâu 30 m nước nhằm làm rõ hơn về cấu trúc địa chất, mức độ phân bố khoáng sản và khoanh định các diện tích có triển vọng về khoáng sản làm cơ sở cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (2) Điều tra, đánh giá tiềm năng các loại khoáng sản, trọng tâm là sắt, titan, đồng, chì - kẽm, quặng phóng xạ, kaolin, felspat, khoáng chất công nghiệp, đá ốp lát và than làm cơ sở quy hoạch thăm dò, phát hiện các mỏ mới, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng. (3) Tăng cường năng lực, trình độ, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, có độ chính xác cao, đáp ứng các yêu cầu về phân tích mẫu địa chất, khoáng sản; củng cố và xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thống nhất về địa chất khoáng sản trên phạm vi cả nước.

Đánh giá kết quả sau 05 năm (2008 - 2012) thực hiện Quy hoạch có thể nhận xét chung như sau:

Quy hoạch là văn bản pháp lý quan trọng, có nội dung đầy đủ, chi tiết, có tính minh bạch cao, đã tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản trên cả nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản theo đúng Quy hoạch. Các đơn vị địa chất đã có nhiều cố gắng nỗ lực để thực hiện có chất lượng và hiệu quả công tác điều tra.

Công tác điều tra đã đạt hiệu quả, đã thu được các kết quả tốt, phát hiện được nhiều vùng có triển vọng khoáng sản, các diện tích có tiềm năng khoáng sản đủ điều kiện để tổ chức thăm dò, đã làm làm sáng tỏ thêm về tiềm năng tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam kể cả về tài nguyên, loại khoáng sản và đặc điểm sinh khoáng của chúng.

Việc thực hiện Quy hoạch là chậm do thiếu kinh phí trầm trọng.

Một số nội dung quy hoạch chưa phù hợp và chưa cập nhật bổ sung theo kết quả điều tra địa chất khoáng sản và nhu cầu phát triển kinh tế như các khoáng sản mới phát hiện (kim loại liti, xericit,…), nhu cầu khoáng chất công nghiệp, xây dựng (đá vôi sạch, đá hoa làm bột canxi, đá ốp lát,…).