Phân định nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất pin mặt trời

Tin tức - Sự kiện 07/09/2020

Bên cạnh các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường đối với tro, xỉ nhiệt điện than tại Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu, phân định nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất pin mặt trời và sau thời hạn sử dụng, có giải pháp quản lý phù hợp.

 

Giải pháp bảo đảm an toàn môi trường đối với tro, xỉ nhiệt điện than tại Việt Nam

Công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động của nhà máy nhiệt điện được quy định cụ thể tại các văn bản: Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Các Nghị định này được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Đối với chất thải là tro, xỉ phát sinh từ hoạt động sản xuất được quản lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (CTNH). Theo đó, tro, xỉ phát sinh từ nhà máy nhiệt điện thuộc danh mục CTNH quy định tại Phụ lục I Thông tư, là loại CTNH dạng (*), cần phải phân định để quản lý. Việc phân định CTNH được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT nêu trên.

Ngoài ra, tại Điều 58b Nghị định số 38/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 25 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm Bộ Xây dựng trong việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng, đẩy mạnh việc tái chế, tái sử dụng làm vật liệu xây dựng nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường một cách bền vững. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát toàn bộ hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường nói chung, nghiên cứu hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Việt Nam nói riêng theo định hướng hội nhập quốc tế làm công cụ quản lý môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan tới xử lý chất thải cũng đang được rà soát, đánh giá cùng với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Việt Nam.

Nghiên cứu, phân định nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất pin mặt trời và sau thời hạn sử dụng, có giải pháp quản lý phù hợp

Trong thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng điện năng lớn nên đã có nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai tại khu vực miền Trung và miền Nam. Thành phần chính của các tấm pin mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Đồng thời, tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10 đến 20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và môi trường khu vực triển khai dự án.

Theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra một số tác động về mặt môi trường như: chiếm diện tích đất và gây ô nhiễm nhiệt, tác động đến thị giác của con người … Việc sản xuất pin của tấm pin năng lượng mặt trời có sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si, … có ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên do các pin này với công nghệ sản xuất hiện nay có tuổi thọ ngắn.

Về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định thì có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.

Trên thế giới, hiện nay Ủy ban châu Âu đã có chỉ thị về vấn đề xử lý chất thải điện, rác điện tử, trong đó có pin năng lượng mặt trời thải sau sử dụng bằng cách gắn việc thu gom, xử lý rác điện tử với các nhà sản xuất. Theo đó, các nhà sản xuất có trách nhiệm thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý tấm pin năng lượng thải do mình sản xuất nhằm thu lại các thành phần có ích để sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là giảm khối lượng rác điện tử thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, tấm pin năng lượng mặt trời thải được quản lý theo các quy định về quản lý chất thải, theo đó chủ nguồn thải có trách nhiệm phân định theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, trong Dự thảo Luật giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về sản phẩm, hàng hóa. Với các quy định nêu trên, việc quản lý tro, xỉ, tấm pin năng lượng mặt trời thải trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và khoa học hơn, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.