Sự cần thiết lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cả thời kỳ 202-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tin tức - Sự kiện 03/09/2020

Để có cơ sở, lựa chọn, đề xuất các nội dung quy hoach nhằm giải quyết các vấn đề trên lưu vực việc lập nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cả là rất cần thiết và quan trọng.

​​​​​​

Một đoạn sông Mã

Sông Cả là một lưu vực lớn ở vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích lưu vực 17900 km2 phân bố trên lãnh thổ 2 quốc gia: Việt Nam và Lào. Ở Việt Nam sông Cả nằm trên địa giới hành chính của 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Đây là lưu vực sông có nguồn tài nguyên thiên nhiên trên lưu vực hết sức đa dạng và phong phú như: Tài nguyên rừng, khoáng sản, nông nghiệp - thuỷ sản… Có thể nói sông Cả có vai trò đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng đối với các tỉnh trong lưu lưu vực nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và cả nước nói chung.

Những năm gần đây, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là việc gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã có những đổi thay rất tích cực. Cùng với sự phát triển của đất nước, nền kinh tế của các tỉnh trong lưu vực sông Cả cũng có những bước đột phá mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch dần theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Hàng loạt các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới ra đời, nhu cầu nước cho các ngành do đó cũng tăng lên đáng kể.

Trong khi, tình hình diễn biến thời tiết khí hậu ngày càng phức tạp quy luật về thời gian xuất hiện về lũ và kiệt hạn như: Về lũ có những biến động lớn, diễn biến mực nước trên các sông ngày càng có những tổ hợp bất lợi cho công tác phòng chống lũ, những trận lũ lớn xảy ra vào các năm 1978, 1988, 2002, 2007 và mới nhất là trận lũ 2010 đã gây tổn thất năṇ g nề cho n ền kinh tế, xã hội trên lưu vực; Về hạn mức độ ngày càng gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất điển hình như năm 2005, 2007, đặc biệt là 2010 hạn hán làm cho 25-30% diện tích không đủ nước gieo trồng và mặn xâm nhập sâu vào nội địa.

Mặt khác tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó lưu vực sông Cả cũng là lưu vực sông ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những diễn biến về biến đổi khí hậu trong tương lai được dự báo là ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới các ngành kinh tế trong lưu vực sông Cả: Mưa lũ với cường suất lớn và bất thường đã gây nên tình trạng lũ lụt trên diện rộng, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất (đặc biệt là sản xuất nông nghiệp).

Hiện nay, trên lưu vực đã và đang được đầu tư xây dựng nhiều công trình nhằm từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác cấp nước, chống lũ, tiêu úng như: Hồ Bản Vẽ, Bản Mồng, Ngàn Trươi, cống Nam Đàn,… Tuy nhiên trước tình hình thiên tai ngày càng khắc nghiệt, bất thường, nhiều hệ thống công trình thủy lợi đã lộ rõ những hạn chế, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực. Để đánh giá và khai thác hết tiềm năng, đồng thời tìm các biện pháp những bất lợi do sông Cả gây ra trong điều kiện thời tiết ngày càng bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - nước biển dâng là cần thiết. Một trong những vấn đề lớn mà tài nguyên nước trên lưu vực sông Cả đang phải đối diện đó là:

Sự phân phối nguồn nước không đều

Sự phân phối nguồn nước không đều trên lưu vực giữa mùa cạn và mùa lũ đã và đang là vấn đề rất đáng lo ngại trên lưu vực. Mùa cạn trên lưu vực sông Cả thường kéo dài 8 tháng, từ tháng 1 đến tháng 8, mùa lũ thường chỉ trong 04 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12. Tuy nhiên mùa khô chỉ chiếm 15- 20% tổng lượng nước trên toàn lưu vực sông.

Thiên tai và biến đổi khí hậu đang đe dọa tài nguyên nước

Thiên tai và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến cán cân nguồn nước. Bão lũ được xem là thiên tai gây thiệt hại lớn nhất ở Việt Nam nói chung và lưu vực sông Cả nói riêng. Lũ lớn gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản, làm sạt đất, lở núi, xói bờ và xâm thực ven biển. Xu thế thiếu nước như dòng chảy kiệt, nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn đang đe dọa đến phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực.

Trên toàn quốc nói chung và ở lưu vực nói riêng đang là một “điểm nóng” về biến đổi khí hậu và nước biển dâng - gây tổn thương cho sinh kế của người dân. Nếu nồng độ khí CO2 gia tăng gấp đôi so với hiện nay, lượng mưa tháng sẽ biến động nhiều, mùa khô khốc liệt hơn và lượng mưa sẽ giảm vào đầu mùa nhưng gia tăng vào cuối mùa.

Thay đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu gây trầm trọng thêm nạn hạn hán, nên phía thượng nguồn càng muốn tìm cách giữ nước và chuyển nước khiến vùng hạ lưu chịu tác động kép của biến đổi khí hậu.

Chất lượng nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng

Lưu vực sông Cả là nơi có ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh, cũng như có nhiều cơ sở công nghiệp cũ kỹ, nông nghiệp và chăn nuôi tập trung, làng nghề; tất cả đều phát sinh ra lượng nước thải và chất gây ô nhiễm lớn. Nước thải sinh hoạt, công nghiệp hay nông nghiệp rất ít được xử lý, vì vậy, một số con sông trên lưu vực đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng;

Do áp lực tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa, diện tích rừng đầu nguồn bị suy giảm khiến nguồn nước bị khai thác triệt để. Nhiều tiểu lưu vực sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do độc chất từ các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, diện tích rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn sinh thủy, hạn chế việc điều tiết nguồn nước. Mất mát lớn từ sự hủy hoại rừng để làm thủy điện trong vài năm qua trên các sông phía thượng lưu đã làm cho người dân nghèo bị tổn thương nặng do lũ lụt và hạn hán, hệ sinh thái bị nghèo kiệt, đất bị xói mòn nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng bị tàn phá...

Nguồn nước dưới đất bị tụt giảm, nhiều nơi bị nhiễm mặn hoặc bị thông tầng khiến chất ô nhiễm trên mặt thấm xuống các vỉa nước ngầm. Nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện không có hệ thống xử lý nước hiệu quả và tất cả đổ vào các kênh mương, sông rạch và cống rãnh khiến thủy vực bị ô nhiễm vượt gấp hàng trăm lần mức cho phép của tiêu chuẩn quốc gia.

Mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước

Hiện nay, trên lưu vực sông Cả, việc khai thác các hồ chứa thủy lợi cho tưới nông nghiệp, thủy điện cho năng lượng đang gây ra nhiều vấn đề về chia sẻ nước trên lưu vực, cấp nước và duy trì dòng chảy môi trường hạ du…., đặc biệt là vấn đề là giữa thủy điện và cấp nước, thủy điện và phòng chống lũ, cũng như vấn đề chống xâm nhập mặn phía hạ du… Vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ.

Thiếu thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước

Hiện nay, việc thiếu thông tin, số liệu có chất lượng về tài nguyên nước đang là một cản trở lớn đối với việc quy hoạch và ra quyết định, cũng như thực thi chính sách trong công tác quản lý tài nguyên nước.

Trước nhu cầu sử dụng nước còn tiếp tục gia tăng, trong khi tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt và suy thoái, cần có phân tích rõ các nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân về quản lý để có các giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu suy thoái đang phát triển nghiêm trọng này.

Vì vậy, ngoài những vấn đề nói trên, để có cơ sở, lựa chọn, đề xuất các nội dung quy hoạch nhằm giải quyết các vấn đề trên lưu vực việc lập nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cả là rất cần thiết và quan trọng.