Cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Tin tức - Sự kiện 18/08/2020

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 và Nghị quyết số 63/2018/QH14 ngày 15/6/2018 theo Kế hoạch số 518/KH-UBTVQH14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo, khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường; cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về khắc phục ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại khu vực bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg và Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các "điểm nóng" về ô nhiễm như sân bay Biên Hòa, thúc đẩy hợp tác quốc tế đặc biệt là đối với Hoa Kỳ. Phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn tại địa phương xác minh, xử lý hàng trăm thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường mỗi năm. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường. Tính đến ngày 25/6/2020, đường dây nóng đã nhận được tổng số 1.522 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, trong đó có 1009 vụ việc đã được xử lý và còn lại 513 vụ việc các địa phương đang xử lý. Đặc biệt, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải thông qua việc tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn; khẩn trương đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc không khí tự động; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch; tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng; thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 985a/QĐTTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đánh giá tình hình, nguyên nhân và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại Tờ trình số 28/TTr-BTNMT ngày 20/7/2020 nhằm đưa ra các biện pháp trước mắt, lâu dài để cải thiện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về bảo vệ môi trường làng nghề

47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, đến nay, có 08/47 làng nghề đã hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm; 13/39 làng nghề còn lại đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đang triển khai thực hiện; 05/39 làng nghề đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm nhưng chưa triển khai thực hiện do thiếu kinh phí hoặc do quy mô sản xuất nhỏ. Hiện nay, đang tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ danh mục 160 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Bộ tiếp tục tích cực, chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai công tác đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 và định hướng cho giai đoạn tiếp theo; tập trung di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Đến nay, trên phạm vi cả nước còn 123 cơ sở trong tổng số 435 gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để (giảm 24 cơ sở so với cùng kỳ năm 2019).