Giám sát ô nhiễm môi trường; bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, nguồn nước sản xuất, sinh hoạt

Tin tức - Sự kiện 03/09/2020

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 và Nghị quyết số 63/2018/QH14 ngày 15/6/2018 theo Kế hoạch số 518/KH-UBTVQH14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện giám sát ô nhiễm môi trường (chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường); bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, nguồn nước sản xuất, sinh hoạt.

Về Chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường

Để giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh triển khai Đề án quan trắc môi trường quốc gia đối với không khí và nước giai đoạn 2018- 2020, tầm nhìn đến 2030; tiếp tục theo dõi và đánh giá hoạt động quan trắc của các Trung tâm, trạm quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tiếp tục duy trì 09 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông, nước mặt; 03 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm; 02 chương trình quan trắc tác động; yêu cầu các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn tiếp tục chủ động tổ chức kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các dự án, cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước; đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động của 05 Tổ giám sát môi trường (Đối với: Các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai; các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Thái Nguyên; Công ty Formosa Hà Tĩnh; các cơ sở, khu công nghiệp thuộc KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa) ; giám sát hoạt động của một số dự án, cơ sở lớn trên toàn quốc. Bao gồm: Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Hậu Giang và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi.

Về bảo vệ môi trường lưu vực sông

Thời gian vừa qua, nhiều vấn đề xung đột, ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai xử lý. Theo đó, Bộ đã chú trọng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc các lưu vực sông tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có lưu lượng xả thải lớn, xả thải trực tiếp và gián tiếp ra lưu vực sông để có biện pháp xử lý và buộc các đối tượng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, xây lắp các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đặc biệt, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nội về việc phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải. Bộ cũng đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực triển khai 03 Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông (sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai); trong 02 năm (2018 và 2019) Bộ đã triển khai thanh tra, kiểm tra 96 cơ sở trên lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và xử phạt 51 cơ sở với tổng số tiền là 8.322 triệu đồng.

Về kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường; giám sát môi trường dự án Formosa Hà Tĩnh; đánh giá tác động môi trường, tăng cường quản lý chất thải rắn; hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

Giám sát dự án Formosa Hà Tĩnh và chương trình quan trắc, cảnh báo môi trường: Về giám sát môi trường của dự án Formosa Hà Tĩnh, thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam nhằm kiểm soát chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế, từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã phối hợp với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước triển khai kế hoạch thực hiện các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường và kế hoạch giám sát môi trường. Tổng hợp kết quả giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh thực hiện từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy: nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường đều phù hợp với QCVN quy định (riêng nước thải của FHS xả ra biển đã đạt yêu cầu cột A của QCVN 40:2011/BTNMT, đảm bảo mục đích cấp nước sinh hoạt); chất lượng môi trường biển đã an toàn, ổn định; môi trường nước ngầm và không khí xung quanh đáp ứng QCVN quy định; FHS đã quản lý các loại chất thải rắn phát sinh theo đúng quy định. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan định kỳ, thường xuyên, liên tục giám sát FHS trong quá trình hoạt động, đảm bảo các nguồn chất thải được quản lý, xử lý đạt QCVN trước khi xả ra ngoài môi trường. Đối với chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung: Hiện nay, Bộ và các địa phương 04 tỉnh miền Trung đang triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung” với 05 hợp phần, trong đó Bộ thực hiện 01 hợp phần và các địa phương thực hiện 04 hợp phần. Các nội dung đều đang được triển khai đúng tiến độ.

Về công tác đánh giá tác động môi trường; tăng cường quản lý chất thải rắn; hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường. Thông qua công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường; hầu hết các dự án đầu tư đã được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, trong đó tập trung vào các giải pháp công trình phòng và ứng phó sự cố môi trường, giám sát môi trường của dự án, đặc biệt đối với các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ đã sửa đổi các nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường chiến lược để phù hợp với Luật Quy hoạch; khắc phục cơ bản các bất cập, hình thức về đánh giá tác động môi trường để phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm, lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; kiểm soát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để không xảy ra sự cố môi trường và nhiều nội dung khác liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn tại Tờ trình số 27/TTr-BTNMT ngày 20/7/2020; tiếp tục xây dựng Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”; Đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam” và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tăng cường biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó hướng dẫn cụ thể về việc lưu giữ, thu gom, vận chuyến và xử lý chất thải y tế lây nhiễm (bao gồm khẩu trang y tế thải bỏ sau khi sử dụng) theo đúng quy định và đảm bảo phòng, ngừa dịch bệnh. Thực hiện nội dung về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Nghị quyết số 09/NQ-CP nêu trên, hiện nay, Bộ cũng đang phối hợp với các đơn vị xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất (sửa đổi).