Quy hoạch xử lý rác thải; mô hình mẫu về xử lý rác thải, thu gom, phân loại rác thải, hoạt động xả thải

Tin tức - Sự kiện 15/09/2020

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 và Nghị quyết số 63/2018/QH14 ngày 15/6/2018 theo Kế hoạch số 518/KH-UBTVQH14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch xử lý rác thải; mô hình mẫu về xử lý rác thải, thu gom, phân loại rác thải, hoạt động xả thải.

Trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; không đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%, đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt ... Chiến lược mới cũng đã giao nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy đến năm 2020. Triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hội thảo phổ biến, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng một lần túi nilon khó phân hủy, khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn như túi ni lông phân hủy sinh học, gần đây nhất là việc phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa. Các hoạt động nêu trên đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan trong việc quản lý chất thải nhựa và túi nilon.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm của nước thải đô thị, trên địa bàn cả nước đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đã được các địa phương quan tâm đầu tư, tổ chức thực hiện. Tính đến hết năm 2019, trên phạm vi cả nước có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3 /ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60%, tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị đạt khoảng 13%, trong đó tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%.

Năm 2019, tổng khối lượng CTR sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt tỷ lệ khoảng 92% (tăng 6% so với năm 2018); nông thôn đạt tỷ lệ khoảng 66% (tăng 6% so với năm 2018); trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 70%. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Cần Thơ... Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp CTR sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước). Tổng lượng chất thải y tế thông thường được xử lý khoảng 96.726 tấn/năm (đạt tỷ lệ 99,9%); tổng chất thải y tế nguy hại phát sinh trung bình là 21.810 tấn/năm, trong đó được xử lý là 21.562 tấn/năm (đạt tỷ lệ 98,86%).

Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng phát sinh. Đối với một số loại CTR đặc thù như tro xỉ, thạch cao, việc đảm bảo yêu cầu môi trường khi thực hiện tái chế đã được quan tâm triển khai. 

Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng ở đạt trên 50% tổng lượng tro, xỉ phát sinh, nhiều cơ sở sản xuất đạt tỷ lệ tái sử dụng cao. Năm 2019, cả nước có 124 cơ sở xử lý CTNH (tăng 06 cơ sở so với năm 2018); tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 80-85% (tăng 09% so với năm 2018). Bên cạnh việc thu gom, tự xử lý CTNH trong nước, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu CTNH ra nước ngoài (năm 2019, Bộ TN&MT đã chấp thuận cho 09 doanh nghiệp (09 doanh nghiệp xuất khẩu CTNH: Công ty TNHH GSA Metals; Công ty TNHH DVTM NPP; Công ty Masuda Sangyo VN; Công ty TMXD 5 Hải Phòng; Công ty Dịch vụ Schlumberger; Công ty TNHH TES-AMM Việt Nam; Công ty TNHH Ánh Dương-Quảng Ninh; Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam; Công ty TNHH Xử lý môi trường Sao sáng Bắc Ninh) thực hiện xuất khẩu CTNH với tổng lượng là hơn 3.958 tấn), góp phần làm giảm áp lực về xử lý chất thải ở trong nước.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, thực hiện Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành liên quan (Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế) rà soát, thống kê sơ bộ các nguồn thải và hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn thải thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý15; đồng thời có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo sơ bộ tình hình quản lý nguồn thải và hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nguồn thải trên địa bàn. Bộ cũng đã đã phê duyệt Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” phần nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện (Dự án) tại Quyết định số 906/QĐ-BTNMT ngày 10/4/2020. Mục tiêu của Dự án nhằm đánh giá, phân loại và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về nguồn thải phát sinh chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên phạm vi cả nước đảm bảo khả năng tính đồng bộ, thống nhất, có tính liên thông, kết nối từ Trung ương đến địa phương, tích hợp với hệ thống CSDL ngành tài nguyên và môi trường phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường phiên bản 2.0, đáp ứng yêu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; dự kiến Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2022.