Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT và đối thoại giữa cơ quan quản lý về môi trường với người dân, doanh nghiệp

Tin tức - Sự kiện 15/08/2020

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 và Nghị quyết số 63/2018/QH14 ngày 15/6/2018 theo Kế hoạch số 518/KH-UBTVQH14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý về môi trường với người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Tính đến hết tháng 5/2020, Bộ đã tiến hành thanh tra với tổng số 6.794 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh/thành phố, qua đó phát hiện và xử lý 3.053 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 484,864 tỷ đồng. Kết quả, các đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều cơ sở xả hàng ngàn m3 nước thải ra môi trường không qua xử lý ra ngoài môi trường (Công ty TNHH Phương Duy, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty TNHH Một thành viên Kaneshiro Việt Nam, Công ty TNHH thuỷ sản Đông Hải, Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Phố Nối B...).Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc, điểm nóng về môi trường. Tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận, vụ sạt lở bãi Guyps thải của Công ty cổ phần D.A.P - Vinachem tại thành phố Hải Phòng, sự cố cá chết tại sông Bưởi Thanh Hoá, Công ty Cổ phần Tập đoàn Á Cường tại Bắc Giang, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo tại Thái Nguyên, Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal ở Khu công nghiệp Lai Vu, xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ….Trong năm 2020, Bộ dự kiến tiếp tục thanh tra đối với 42 cơ sở; kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường đối với 141 cơ sở.

Về tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý về môi trường với người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng; xây dựng Đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị, phản ánh các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đường dây nóng phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chủ trì xây dựng hệ thống trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý qua truyền thông đa phương tiện để tiếp nhận xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực môi trường (ô nhiễm môi trường, cơ chế chính sách, giải pháp sáng kiến bảo vệ môi trường) hoạt động trên Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường.