Một số giải pháp ưu tiên giải quyết tập trung các vấn đề môi trường trong thời gian tới

Tin tức - Sự kiện 01/09/2020

Trong đó, ưu tiên tập trung hoàn thành dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Một là, tập trung hoàn thành dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Triển khai xây dựng 03 Quy hoạch: (1) Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; (2) Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quôc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (3) Quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện, trình ban hành 02 Đề án: (1) Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”; (2) Đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam”. Hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn môi trường của các nước phát triển trên thế giới. 

Hai là, đĐẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 theo Quyết định số 985a/QĐTTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí trong các đô thị lớn, kết nối số liệu quan trắc Trung ương và địa phương để cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Ba là, ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; có lộ trình phù hợp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, xử lý chất chất thải thu hồi năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất thải sinh hoạt tại Việt Nam” và “Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam" sau khi được phê duyệt. Tập trung đôn đốc hoàn thành tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2020. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng kết đánh giá Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo. 

Bốn là, thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh, rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề thông qua việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để cải tạo, xử lý ô nhiễm các hồ, sông, kênh, rạch; kết hợp với việc phát huy các phong trào vệ sinh môi trường, mô hình tự quản về môi trường trong các đô thị, khu dân cư. Tổng kết, đánh giá Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phòng ngừa xử lý ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước; đề xuất giải pháp cho giai đoạn mới. 

Năm là, kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các KCN, CCN, làng nghề, lưu vực sông; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ KCN, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt ít nhất 90%; yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khi thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện Đề án tổng thể BVMT môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Rà soát, đánh giá Đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020” theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 29/4/2008; Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu theo Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006; Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 theo Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao hiệu quả vận hành đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, người dân về ô nhiễm môi trường; mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp quận, huyện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các thông tin, vụ việc gây ô nhiễm môi trường từ cấp địa phương, cơ sở. 

Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; kiên quyết không cấp phép cho các dự án có loại hình, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án có tác động đến sinh thái và rừng tự nhiên của Việt Nam. Thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm thời hạn; thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến. 

Bảy là, tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh. 

Tám là, thúc đẩy các phong trào, nhân rộng các điển hình, khu vực, mô hình, cách làm hay, tốt về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về môi trường theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền; cung cấp thông tin kịp thời về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.