Quy hoạch khoáng sản, khu vực khoáng sản; hoạt động cấp phép khai thác, thăm dò khoáng sản; cơ sở dữ liệu cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản

Tin tức - Sự kiện 06/08/2020

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thành việc cài đặt dữ liệu của gần 500 Giấy phép khai thác khoáng sản, 60 Giấy phép thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (còn hiệu lực tính đến ngày 31/12/2014). Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan tiếp tục hoàn thiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu, triển khai đến các địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động sau cấp phép.

Về quy hoạch khoáng sản, khu vực khoáng sản

Thực hiện Luật khoáng sản, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1388/QĐTTg ngày 13/8/2013 phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thực hiện Luật quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, ngày 31/7/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, thẩm định Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là các quy hoạch quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan và địa phương.

Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia ý kiến đối với Nhiệm vụ lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương lập, trình Thủ tướng Chính phủ và Nhiệm vụ lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng lập, trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với quy hoạch khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia góp ý 60 báo cáo Quy hoạch và báo cáo bổ sung quy hoạch của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010.- Về hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản: Thời gian qua, Bộ đã thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CTTTg ngày 30/3/2015, cụ thể: (1) Năm 2012, Bộ đã cấp 56 giấy phép, trong đó có 31 giấy phép thăm dò khoáng sản, 25 giấy phép khai thác khoáng sản; (2) Năm 2013, Bộ đã cấp 89 giấy phép, trong đó có 41 giấy phép thăm dò khoáng sản, 48 giấy phép khai thác khoáng sản; (3) Năm 2014, Bộ đã cấp 75 giấy phép, trong đó có 34 giấy phép thăm dò khoáng sản, 41 giấy phép khai thác khoáng sản; (4) Năm 2015, Bộ đã cấp 56 giấy phép, trong đó có 31 giấy phép thăm dò khoáng sản, 25 giấy phép khai thác khoáng sản; (5) Năm 2016, Bộ đã cấp 79 giấy phép, trong đó có 40 giấy phép thăm dò khoáng sản, 39 giấy phép khai thác khoáng sản; (6) Năm 2017, Bộ đã cấp 71 giấy phép, trong đó có 29 giấy phép thăm dò khoáng sản, 42 giấy phép khai thác khoáng sản; (7) Năm 2018, Bộ đã cấp 48 giấy phép, trong đó có 12 giấy phép thăm dò khoáng sản, 36 giấy phép khai thác khoáng sản; (8) Năm 2019, Bộ đã cấp 68 giấy phép, trong đó có 21 giấy phép thăm dò khoáng sản, 47 giấy phép khai thác khoáng sản.Việc cấp phép đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015. Ngoài ra, đã phê duyệt 17 Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và ban hành 01 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

Năm 2020: đến thời điểm 30/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 02 Giấy phép thăm dò, 18 Giấy phép khai thác, ngoài ra, đã phê duyệt 03 Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và ban hành 07 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

Việc hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ và ngăn chặn triệt để khai thác khoáng sản trái pháp luật

Thông qua kết quả công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về thăm dò khai thác đá vôi, đá ốp lát (năm 2015, năm 2016), Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, chấn chỉnh công tác cấp phép thăm dò, khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có việc không cấp phép khai thác theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún. Mặt khác, để tạo cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương nêu trên, Bộ đã đề xuất bổ sung nội dung yêu cầu khi lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản huy động vào thiết kế khai thác đối với mỏ khoáng sản rắn (không được nhỏ hơn 50% trữ lượng đã phê duyệt) và đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên (không được nhỏ hơn 35% trữ lượng đã phê duyệt) trong nội dung Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo đúng quy định tại Điều 27 Luật khoáng sản và Điều 21 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên theo hướng hạn chế tối đa khai thác theo hình thức này. Theo đó, trên cơ sở kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, từ năm 2013 đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định và công bố 270 khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đối với gần 30 loại khoáng sản trên địa bàn 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quản lý, cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác manh mún, nhỏ lẻ, số lượng các khu vực khoanh định phân tán, nhỏ lẻ đã giảm dần (năm 2013 khoanh định 84 khu vực đến năm 2019 còn 11 khu vực được khoanh định). Đây là cơ sở pháp lý cho việc cấp phép hoạt động khoáng sản, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khoáng sản, góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các dự án chế biến tại các địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng ngân sách nhà nước, góp phần hạn chế hoạt động khai thác trái phép.

Về cơ sở dữ liệu cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thành việc cài đặt dữ liệu của gần 500 Giấy phép khai thác khoáng sản, 60 Giấy phép thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (còn hiệu lực tính đến ngày 31/12/2014). Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan tiếp tục hoàn thiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu, triển khai đến các địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động sau cấp phép.