Tăng cường quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, suối trái pháp luật

Tin tức - Sự kiện 24/08/2020

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, trong năm 2018, năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong linh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 03/CT-TT, các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm; yêu cầu các Bộ ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ mở đợt cao điểm trấn áp việc khai thác cát sỏi trái phép, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành và địa phương để khắc phục tình trạng này.

Ngày 05 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Báo cáo số 23/BC-BTNMT về tình hình thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản trong quản lý cát sỏi lòng sông báo cáo Thủ tướng Chính phủ; ngày 11 tháng 3 năm 2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1856/VPCP-CN gửi các Bộ (Công an, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương) có ý kiến về đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung tại Báo cáo nêu trên. Ngày 24 tháng 4 năm 2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3252/VPCP-CN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ gửi về để hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Bộ đang hoàn thiện báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra và tổ chức hậu kiểm các tổ chức, cá nhân đã được thanh tra, kiểm tra trước đây về việc thi hành các kết luận thanh tra, kiểm tra; chỉ tính riêng năm 2019 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 65 doanh nghiệp với tổng số tiền là 9,645 tỷ đồng. Về xử phạt vi phạm hành chính, năm 2019, chỉ tính riêng khu vực miền Bắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành trình tự, thủ tục xử lý vi phạm khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác tại mỏ than Uông Thượng, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh của Công ty PT.Vietmindo Energitama (kiểm tra đột xuất năm 2018). Hiện tại, Công ty đã thực hiện xong việc nộp phạt vi phạm hành chính bằng tiền theo quy định. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc tính và phê duyệt số lợi bất hợp pháp có được từ khối lượng than khai thác dưới độ sâu được phép khai thác tại khu mỏ Uông Thượng với số tiền là 32.894.940.000 đồng (Quyết định số 3296/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2019). Tổng Cục trưởng đã ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.872 triệu đồng (23Quyết định đã được thực hiện nộp phạt với số tiền 3.482 triệu đồng, 04 Quyết định chưa được thực hiện nộp phạt với số tiền 390 triệu đồng).

Về theo dõi, xử lý phản ảnh của báo chí, năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thành lập Đoàn kiểm tra, trực tiếp xử lý 13 vụ việc và có văn bản chuyển các Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý 24 vụ việc. Ngoài các biện pháp nêu trên, để ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, các cơ quan quản lý nhà nước còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện nghiêm chỉ thị số 03/CT-TTg nêu trên và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản (nhất là cát, sỏi lòng sông) ở vùng giáp ranh địa giới hành chính; quy định rõ trách nhiệm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông trên địa bàn quản lý mà không xử lý kịp thời hoặc diễn ra kéo dài hoặc tái diễn nhiều lần; xây dựng quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi ở khu vực giáp ranh giữa hai hay nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép; vận chuyển, sử dụng cát sỏi không có nguồn gốc hợp pháp. Xử lý nghiêm người đứng đầu, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép hoặc dung túng bao che cho đối tượng khai thác trái phép; lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thả phao, cắm mốc khu vực khai thác, thông báo niêm yết công khai thông tin về diện tích, công suất, số lượng tàu hoạt động... để các lực lượng chức năng và nhân dân giám sát. Với sự chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các Bộ ngành, địa phương như đã nêu trên, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi lòng sông đã được nâng cao, số lượng các vụ khai thác cát, sỏi trái phép đã giảm cả về số lượng và quy mô.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản trong đó có cát, sỏi lòng sông; ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, phê duyệt kế hoạch hoặc phương án bảo vệ khoáng sản, quy định trách nhiệm Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong quản lý khoáng sản trên địa bàn. Riêng đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông ngoài việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành; ban hành quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông,… thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như quản lý chặt chẽ bến bãi, lập đường dây nóng, nghiêm cấm việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.