Một số khó khăn, hạn chế và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khí tượng thủy văn trong thời gian tới

Tin tức - Sự kiện 18/08/2020

Biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Việc cải tiến và đa dạng hoá bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế ngày càng cao của công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và phục vụ cộng đồng.

Việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vẫn còn nhiều khó khăn và là thách thức đối với Việt Nam và Thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu các thông tin số liệu nền về: đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có; về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất... không đủ độ chi tiết, không được cập nhật thực tế; sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê nghiên cứu đầy đủ. Bên cạnh đó, lũ quét thường xảy ra ở quy mô nhỏ, liên tiếp, mang tính địa phương. Vì vậy, chỉ cảnh báo ở cấp trung ương là không thể đảm bảo kịp thời cho hoạt động phòng chống lũ quét, sạt lở đất nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương. Mặt khác, khoa học công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo, cảnh báo chính xác mưa định lượng và nhận biết sự biến đổi của các nhân tố là nguyên nhân tác động, gây ra lũ quét sạt lở đất. Thực tế đã cho thấy, kể cả khi dự báo chính xác và chi tiết được lượng mưa (ví dụ dự báo mưa định lượng đến ô lưới 1x1km như các nước tiên tiến như Nhật Bản) thì vẫn chưa đủ để có thể dự báo chính xác được lũ quét và sạt lở đất, nếu thiếu và chưa xác định kịp thời được các thông tin chi tiết nền như đã nêu ở trên.

Dự báo, cảnh báo mưa lớn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các trường hợp mưa lớn kỷ lục, cục bộ và ở những nơi ít thông tin quan trắc như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên. Dự báo lũ, đặc biệt là lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên với thời gian tập trung nước nhanh nhưng công nghệ dự báo cực ngắn chưa được đầu tư xây dựng thỏa đáng.

Hạn chế về khoa học công nghệ của cả hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Các thông tin, số liệu về vận hành hồ chứa chưa được đồng bộ hóa cùng hệ thống số liệu khí tượng thủy văn. Mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn còn thưa, phần lớn chưa thực hiện tự động nên không đáp ứng được yêu cầu số liệu đầu vào của các mô hình dự báo, đặc biệt là các mô hình số trị.Trình độ của cán bộ chuyên môn kỹ thuật nói chung và của dự báo viên nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp khu vực và cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật trạm khí tượng thuỷ văn vẫn tiếp diễn phức tạp ảnh hưởng đến chất lượng số liệu quan trắc, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về khí tượng thủy văn; phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa khí tượng thủy văn, đặc biệt là phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ nhu cầu của địa phương, đồng thời hỗ trợ, cung cấp thêm nguồn số liệu phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; tổ chức triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn nhằm tăng cường năng lực quan trắc, thông tin dữ liệu, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ yêu cầu phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến về khí tượng thủy văn nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ cao và đào tạo nguồn lực; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của dự báo viên ở Trung ương, các Đài khí tượng thủy văn khu vực, Đài khí tượng thủy văn các tỉnh ven biển. 

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với từng cấp độ rủi ro thiên tai, các loại hình thiên tai thường hay xảy ra; xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng của bộ, ngành, địa phương phù hợp, đáp ứng yêu cầu phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm trên các kênh truyền thông như: Phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát hành các tờ rơi...; tăng cường tuyên truyền kiến thức về khí tượng thủy văn, về công tác dự báo khí tượng thủy văn nhằm giúp người dân hiểu đúng và sử dụng hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.