Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo, được nhiều nước coi là quốc sách

Tin tức - Sự kiện 24/08/2020

Trên thế giới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo, được nhiều nước coi là quốc sách. Thế giới đang hướng tới kỷ nguyên sinh thái, năng lượng tái tạo, năng lượng mới được nhiều nước chú trọng phát triển, có khả năng thay thế dần nhiên liệu hóa thạch.

Suy thoái đất, hoang mạc hóa diễn tiến nhanh hơn. Tài nguyên khoáng sản ngày càng khan hiếm và đắt giá. Nhiều nơi trên thế giới thiếu nước nghiêm trọng; xung đột, bất ổn trong việc chia sẻ nguồn nước gia tăng. Biển và đại dương ngày càng bị ô nhiễm; tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia về tài nguyên biển ngày càng gay gắt. Chất lượng môi trường suy giảm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Rừng tiếp tục bị suy giảm mạnh, các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích. Nhiều loài hoang dã bị tuyệt chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao.

Ở trong nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục được đẩy mạnh hướng tới mục tiêu đưa nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 nên nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên tăng mạnh. Cơ cấu kinh tế đang được chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, nhiều ngành hàng, mặt hàng đã tìm được chỗ đứng trên thế giới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các ngành kinh tế sẽ được thúc đẩy, hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư, thể chế được hoàn thiện, nguồn nhân lực phát triển một bước.

Nước biển dâng, sụt lún vùng ven biển do khai thác nước ngầm quá mức, ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác nước trên thượng nguồn các sông quốc tế làm cho triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn (XNM) diễn ra mạnh hơn, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và một số địa phương ven biển khác. Thiên tai như bão lũ, hạn hán diễn biến thất thường, cực đoan hơn. Tài nguyên tiếp tục bị khai thác mạnh hơn, nhất là tài nguyên không tái tạo. Các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu khí có xu hướng giảm dần. Đất đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng, phát triển cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản tăng nhanh; nhiều vùng đất bị thoái hoá, bạc màu, hoang mạc hoá gây nên áp lực lớn lên đất canh tác nông nghiệp, đất rừng. Nhu cầu về nước tăng mạnh, Tây Nguyên, Tây Bắc, ĐBSCL và một số địa phương ven biển đối mặt với tình trạng thiếu nước gay gắt vào mùa khô; an ninh về nước tiếp tục bị chi phối mạnh bởi hoạt động của các quốc gia thượng nguồn sông quốc tế. Độ che phủ của rừng tiếp tục tăng nhưng chậm lại, chất lượng rừng tiếp tục suy giảm. Ô nhiễm môi trường diễn ra trên diện rộng, vẫn trong xu thế tăng  nhưng chậm hơn, có thể được kiểm soát, đảo chiều trong một vài thập kỷ tới.