Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Tin tức - Sự kiện 25/08/2020

Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Nội dung nghiên cứu của chương trình tập trung ngiên cứu, xây dựng CSDL, cơ sở khoa học, mô hình, phát triển bền vững vùng Tây Bắc; nghiên cứu cơ sở khoa học của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho các tiểu vùng và liên vùng Tây Bắc; nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển kinh tế, hạ   tầng giao thông, thông tin, văn hóa, xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường,  phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai vùng Tây Bắc; nghiên cứu xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Sản phẩm của Chương trình gồm: Bộ CSDL và luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lượng, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Bộ CSDL tích hợp liên ngành phục vụ xây dựng quy hoạch vùng, liên vùng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và chiến lược phát triển liên ngành; Mô hình, cơ chế, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Bắc và các tiểu vùng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Một số mô hình phát triển kinh tế-xã hội phù hợp cho cộng đồng ở một số tiểu vùng, liên vùng khu vực Tây Bắc; Các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp để sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm hàng hóa; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; CSDL về nhu cầu đào tạo nhân lực và các giải pháp đào tạo phù hợp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Chương trình Tây Bắc là Chương trình KH&CN cấp nhà nước mà phạm vi triển khai nghiên cứu và ứng dụng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, bao gồm 14 tỉnh của vùng Tây Bắc với tính liên ngành, liên lĩnh vực và liên vùng rất cao. Trong suốt thời gian triển khai Chương trình, ĐHQGHN và Chương trình đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Bộ KH&CN cùng các Ban, Bô, Ngành và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt từ Chính phủ, các Bộ, Ngành, các địa phương, đảm bảo cho việc thực hiện thành công cả bốn mục tiêu của Chương trình.

Chương trình Tây Bắc có “tính mở” cao, thích ứng tối đa với diễn biến của tình hình, được phân kỳ triển khai trong cả hai giai đoạn triển khai của Chương trình. Sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nhà khoa học trong vùng là vô cùng quan trọng, vừa với tư cách là cộng tác viên, là người “đặt hàng”, người đánh giá (định kỳ, nghiệm thu) và vừa là người trực tiếp sử dụng kết quả của Chương trình (thông qua chuyển giao/bàn giao). Đây cũng là điểm ưu việt của Chương trình Tây Bắc, góp phần tác động trực tiếp đến các địa phương, thúc đẩy phát triển các mô hình quy mô tập thể hay hộ gia đình trong sản xuất/kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng KH&CN.

Toàn bộ 58 đề tài, dự án triển khai trong Chương trình đã được tiến hành dựa trên CSDL có độ tin cậy cao, các phương pháp, cơ sở vật chất và cách tiếp cận phong phú, đa dạng và hiện đại và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.