Chương trình “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”

Tin tức - Sự kiện 23/08/2020

Chương trình đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ đã được xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020.

Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ

Chương trình đã thực hiện đánh giá tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ trong 30 năm đổi mới và phát triển; nghiên cứu, đề xuất quan điểm, mô hình, định hướng và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ và các tỉnh trong vùng; dự báo bối cảnh mới trong nước và quốc tế tác động đến sự phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đánh giá các chương trình, dự án KH&CN triển khai từ năm 1986 đến nay phục vụ phát triển vùng Tây Nam Bộ; việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai các quy hoạch và giải pháp về thể chế kinh tế, thị trường, kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghiên cứu đánh giá toàn diện thực trạng cơ cấu kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh và chuyển đổi sinh kế; đánh giá mức độ ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ. Nghiên cứu đánh giá các vấn đề cơ bản về quốc phòng, an ninh trong mối tương quan với các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Xây dựng bộ chỉ số phát triển, đề xuất khung và phác thảo mô hình phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu các giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ

Chương trình đã nghiên cứu, đề xuất luận cứ khoa học xây dựng cơ chế, thể chế hợp tác, hệ thống chính sách tăng cường liên kết nội vùng và liên kết vùng. Nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị cho các sản phẩm đặc thù, thế mạnh của vùng Tây Nam Bộ. Nghiên cứu tổng thể hiệu ứng các công trình phòng chống xói lở - bồi tụ cửa sông, ven biển, bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập mặn ven bờ,… Triển khai một số mô hình liên kết giữa KH&CN với sản xuất, kinh doanh, giáo dục và đào tạo, kinh tế, văn hóa, ... Xây dựng và chuyển giao CSDL tài nguyên thiên nhiên, môi trường, kinh tế - xã hội cho vùng Tây Nam Bộ bằng các phần mềm tiên tiến, dễ truy cập. Xây xựng các bộ Atlas điện tử phục vụ cho công tác quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp. Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, đào tạo nguồn nhân lực quản lý khoa học và cơ chế cập nhật CSDL phục vụ công tác quản lý lãnh thổ. 

Triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ

Chương trình tập trung triển khai các giải pháp ứng dụng có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như: sản xuất lúa đặc sản, tôm nước lợ, cá da trơn, cây ăn trái, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, chế biến các sản phẩm nông sản, cơ giới hóa trong nông nghiệp, ... Triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học trong các lĩnh vực như: Nông - Lâm - Thủy sản, Y - Dược, công nghiệp chế biến, xử lý và bảo vệ môi trường. Triển khai có hiệu quả công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị, dây chuyền tự động đồng bộ trong chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Ứng dụng có hiệu quả các công nghệ tiên tiến và phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió đi đôi với đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng cho vùng Tây Nam Bộ.

Với kết quả 63 nhiệm vụ đã và đang thực hiện (trong đó có 22 nhiệm vụ thuộc mảng khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững; 41 nhiệm vụ thuộc mảng khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường) có thể nói các nhiệm vụ KH&CN đã phủ hầu hết 3 mục tiêu và nội dung nghiên cứu của Chương trình theo Quyết định số 734/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, và đến nay đã đạt khối lượng trên 80% nội dung, nhiệm vụ KH&CN, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành tất cả nội dung của Chương trình. Với các nhiệm vụ KH&CN đã và đang triển khai đã gắn với sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề bức thiết phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Kết quả cụ thể trên 2 mảng, như sau:

Lĩnh vực  khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững, hướng chủ yếu vào mục tiêu và nội dung  (1) Xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ đã tổng kết, đánh giá thực tiễn 30 đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam bộ và xây dựng luận cứ, quan điểm, định hướng, mô hình, hệ giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2050  theo hướng liên kết vùng, khu vực và hội nhập quốc tế; các kiến nghị về cơ chế, thể chế hợp tác, hệ thống chính sách tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và vùng. Hiện đang xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ bao gồm các chỉ tiêu tổng hợp, các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế phù hợp với bộ chỉ số của quốc gia, mang đặc thù của vùng Tây Nam bộ, gắn với hội nhập quốc tế.

Lĩnh vực  khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường chủ yếu tập trung vào mục tiêu và nội dung (2) Nghiên cứu các giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ và (3) Triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ, các nhiệm vụ KH&CN đã gắn với sản xuất và đời sống, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực (lúa, cây ăn quả, thủy sản), thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng, giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như BĐKH, hạn hán, XNM, xói lở (bờ sông, bờ biển) và phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Các nội dung nghiên cứu và kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, như: Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp KH&CN và xây dựng các mô hình liên kết nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị , đa dạng hóa các sản phẩm  chủ lực (lúa gạo, xoài, bưởi, cam sành, tôm, cá tra, nghêu, ngao móng tay chúa,…). Nghiên cứu và  thí điểm ứng dụng các giải pháp KH&CN phòng chống xỏi lở-bồi tụ cữa sông, ven biển, ứng phó với BĐKH tại tỉnh Cà Mau, An Giang,... Đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin địa lý cho vùng Tây Nam bộ (MGIS), đã xây dựng  WebGIS và CSDL tài nguyên thiên nhiên và môi trường, kinh tế-xã hội cho vùng Tây Nam bộ, với phần mềm tiên tiến, dễ truy cập và đã chuyển giao cho UBND TP. Cần Thơ, Vĩnh Long và một số tỉnh vùng Tây Nam bộ ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ công tác quản lý tài nguyên, môi trường và quản lý đô thị. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị, dây chuyền tự động trong thu hoạch các mặt hàng nông sản (dứa, hành tím) đã đạt được những kết quả khả quan. Nghiên cứu xây dựng các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, hạn hán, XNM, như  đã nghiên cứu về xây dựng mô hình chuyển đổi sinh kế người dân (chăn nuôi bò, dê, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản,…) những khu vực bị hạn hán và XNM (tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng,…); mô hình thu gom nước mưa và sản xuất túi dự trữ nước ngọt (Cà Mau, Bến Tre,..); mô hình tuần hoàn aquapnics trong trồng rau và nuôi cá; nghiên cứu các giống lúa chịu mặn. Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài dược liệu đặc hữu vùng Tây Nam bộ, chế biến, sản xuất các dược liệu phục vụ sức khỏe nhân dân và phục vụ nuôi trồng thủy sản; v,v,…