Quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu lực thực thi của pháp luật về tài nguyên nước

Tin tức - Sự kiện 07/09/2020

Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu lực thực thi của pháp luật về tài nguyên nước” đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề xuất và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật quản lý tài nguyên nước.

Góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề xuất và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, nổi bật trong đóng góp cho việc sửa đổi luật hiện hành có 01 nhiệm vụ cung cấp cơ sở lý luận, các luận cứ khoa học cho việc sửa đổi Luật tài nguyên nước năm 2012. Đề tài “TNMT.2020.02.03 - Nghiên cứu đánh giá thực trạng quản lý tài nguyên nước và đề xuất các định hướng lớn trong việc sửa đổi Luật tài nguyên nước” đang được gấp rút triển khai trong năm 2020 và do Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì thực hiện. Đóng góp để cung cấp các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận cho việc xây dựng thông tư, trong giai đoạn này có 03 đề tài được thực hiện trong năm 2018 và 2019. 

Cụ thể các đề tài sau: TNMT.2018.02.04. Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí lựa chọn nguồn và điểm phân bổ nguồn nước phục vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh. Với các sản phẩm dự kiến bao gồm: Bộ tiêu chí để lựa chọn nguồn nước, phạm vi nguồn nước và số lượng, vị trí điểm phân bổ; Dự thảo Thông tư ban hành quy định kỹ thuật xác định nguồn và phạm vi nguồn nước, điểm phân bổ; TNMT.2018.02.06. Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất bổ sung, hoàn thiện quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Với các sản phẩm dự kiến bao gồm: Báo cáo hiện trạng công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, hệ thống các phương pháp ứng để dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; Dự thảo các Thông tư quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước giai đoạn 2018-2020.

Bên cạnh đó, Chương trình đã góp phần đề xuất, áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong công tác chuyên môn nghiệp vụ. Đại diện cho nhóm đề tài này có tổng số 04 đề  tài. Sản phẩm của các nhiệm vụ cung cấp các mô hình, công nghệ và bộ công cụ cho việc dự báo, cảnh báo tài nguyên nước mặt; Đặc biệt giúp ích cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh để ra quyết định điều hành hồ theo quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông; giúp các chủ hồ trong việc thực hiện theo lệnh vận hành và cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ việc vận hành hồ trong mùa lũ. Giúp việc vận hành hồ hiệu quả trong việc phòng, chống lũ hoặc cắt, giảm lũ cho hạ du, đồng thời cũng giúp các đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo và thực thi việc vạn hành hồ được chủ động đồng thời giúp cho các cơ quan, đơn vị quản lý theo dõi, kiểm tra việc phối hợp vận hành hồ theo Quy trình liên hồ đã được ban hành. Bên cạnh các còn có các nhiệm vụ cung cấp cơ sở khoa học cho việc điều phối, giám sát các hoạt động xả nước thải, khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông liên tỉnh. Cụ thể là các nhiệm vụ sau:

TNMT.2016.02.07. Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành vận hành các hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ trên các lưu vực sông Ba, sông Cả và sông Đồng Nai trong mùa lũ. Các sản phẩm đã đạt được: Xác định được các điều kiện để quyết định việc vận hành các hồ trong mùa lũ tuân thủ theo đúng các quy định của Quy trình liên hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành; đồng thời phân tích làm rõ các yếu tố tác động đến các điều kiện vận hành, nhất là những diễn biến về mưa, lũ trên lưu vực; Xác định được hướng tiếp cận hợp lý để đề xuất lựa chọn cấu trúc và xây dựng bộ công cụ hỗ trợ chỉ đạo vận hành các hồ trong mùa lũ theo Quy trình liên hồ trên nền Internet có giao diện thuận lợi cho việc sử dụng, cập nhật được một cách chủ động, thường xuyên các dữ liệu phục vụ vận hành hồ, có tính mở khi cần thiết bổ sung thêm các hồ chứa hoặc các lưu vực sông khác; Xây dựng được khối CSDL tri thức trên các lưu vực sông Cả, Ba, Đồng Nai với các dữ liệu về: mạng lưới lưu vực sông, hệ thống hồ chứa, KTTV, trạm kiểm soát lũ hạ du, cơ sở thiết lập mô hình, kết nối đến các mô hình thủy lực xây dựng sẵn và chứa đựng các ngân hàng phương án nghiên cứu của đề tài.

TNMT.2017.02.01. Nghiên cứu đề xuất hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành việc vận hành các hồ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa. Với các sản phẩm dự kiến đạt được: Hệ thống CSDL trực tuyến giữa các cơ quan quản lý và đơn vị quản lý hồ chứa; Bộ Công cụ hỗ trợ công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo điều hành quy trình vận hành liên hồ chứa.

TNMT.2016.02.14. Nghiên cứu đề xuất cơ chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ điều phối, giám sát các hoạt động xả nước thải, khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông liên tỉnh, áp dụng thí điểm trên lưu vực sông Sê San và Srepok. Các sản phẩm đã đạt được: Cơ chế phối hợp trong điều phối, giám sát các hoạt động xả nước thải, khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông liên tỉnh; Dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và Quy chế hoạt động của Ủy ban lưu vực sông Sê San - Srê pốk (Cơ chế phối hợp trong điều phối, giám sát các hoạt động xả nước thải, khai thác sử dụng tài nguyên nước liên tỉnh trên lưu vực sông).

TNMT.2017.02.02. Nghiên cứu thiết kế mạng giám sát tuân thủ các quy định của giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước và đề xuất cơ chế thực hiện. Các sản phẩm dự kiến đạt được: Mô hình giám sát tuân thủ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của chủ giấy phép; Danh mục các các đối tượng, nội dung, thiết bị và công nghệ giám sát tuân thủ theo quy định của giấy phép tài nguyên nước; Kết quả thử nghiệm giám sát tuân thủ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của chủ giấy phép trên lưu vực sông Hồng; Hướng dẫn vận hành mạng giám sát tuân thủ các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Ngoài ra, trong giai đoạn này có 01 nhiệm vụ đã được nghiệm thu và sản phẩm đã phần nào cung cấp được cơ sở khoa học, phương pháp luận cho các các đề án, dự án chuyên môn. Cụ thể là nhiệm vụ:

TNMT.2016.02.16. Nghiên cứu, ứng dụng mô hình MODFLOWS + SUB để đánh giá, dự báo lún mặt đất do khai thác nước dưới đất; áp dụng thử nghiệm cho thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm đã đạt được: Kết quả ứng dụng MODFLOWS + SUB để tính toán, chiết tách thành phần lún mặt đất do khai thác nước dưới đất trong tổng thể lún mặt đất; Bảng tính toán mức độ lún mặt đất do khai thác nước dưới đất trong tổng thể lún mặt đất khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh; Đề xuất phương án khai thác nước dưới đất hợp lý nhằm giảm thiểu tác động lún mặt đất do khai thác nước dưới đất khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh; Bản đồ hiện trạng lún mặt đất khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ 1:25.000; Bản đồ lún mặt đất do khai thác nước dưới đất khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ 1:25.000.

Như vậy, với mục tiêu ứng dụng được công nghệ thông tin, viễn thám, công cụ mô hình toán, tự động hóa và cải tiến công nghệ trong điều tra, đánh giá, dự báo, vận hành điều tiết nước, giám sát tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; biện pháp trữ nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, Chương trình đã thực hiện có kết quả: (i) Nghiên cứu, cải tiến công nghệ phục vụ quản lý tổng hợp về tài nguyên nước. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, công cụ mô hình toán, tự động hóa trong điều tra, đánh giá, dự báo, vận hành điều tiết nước, giám sát tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm; cải tiến công cụ mô hình toán trong đánh giá, dự báo, giám sát tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; xây dựng các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho hoạt động của một số ngành, lĩnh vực; nghiên cứu, đề xuất giải pháp triển khai Công ước về luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. (ii) Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; biện pháp trữ nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào Xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Xây dựng thí điểm biện pháp trữ nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, đặc biệt là các vùng thường xuyên hạn hán, thiếu nước; Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật để thực thi các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.