Quan trắc, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường

Tin tức - Sự kiện 04/09/2020

Thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.

Xây dựng hệ thống quan trắc, thực hiện các chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về môi trường

Thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030[1], Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Đề án quan trắc môi trường quốc gia đối với không khí và nước giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2030; tiếp tục theo dõi và đánh giá hoạt động quan trắc của các Trung tâm, trạm quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tiếp tục duy trì 09 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông, nước mặt; 03 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm; 02 chương trình quan trắc tác động[2].

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hoàn thiện Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Triển khai Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện Dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung. Hướng dẫn, kiểm tra, lưu trữ, quản lý tư liệu môi trường. Duy trì hạ tầng thông tin dữ liệu môi trường; quản lý, tích hợp cơ sở dữ liệu môi trường.

Phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường

Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 30/6/2020, đã có 01 hồ sơ dự án, quy hoạch đã thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;  khoảng 180 dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; nhiều dự án, hoạt động đầu tư đã thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; 28 dự án được cấp trung ương xác nhận hoàn thành. Thông qua công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường; hầu hết các dự án đầu tư đã được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, trong đó tập trung vào các giải pháp công trình phòng và ứng phó sự cố môi trường, giám sát môi trường của dự án, đặc biệt đối với các dự án có nguồn thải lớn, thuộc lĩnh vực ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: tập trung chỉ đạo, xử lý hoàn thành việc trả kết quả thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm 2019. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các đoàn khảo sát, làm việc trực tiếp với các Sở TN&MT các tỉnh/thành phố dự kiến thanh tra để thống nhất đối tượng thanh tra trước khi ban hành Quyết định thanh tra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ TNMT đang rà soát các đối tượng thanh tra nhằm hạn chế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 các đối tượng đã có ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thanh tra bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19[3]. Kết quả rà soát, sẽ thanh tra 40 cơ sở, kiểm tra 141 cơ sở. Đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đang được triển khai đúng tiến độ.

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Đến nay đã có 340/435 cơ sở có tên theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 78,16% (tăng 9,73% so với năm 2018); 95 cơ sở còn lại hiện đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để. Năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích đến năm 2020, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ về môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao: Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; tích cực, chủ động, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tiếp tục duy trì tốt hoạt động giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao nhằm bảo đảm an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động[4]; ....

 


[1] Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

[2]Bao gồm: Quan trắc môi trường nước lưu vực sông Cầu; Nhuệ - Đáy; Mã; Hồng - Thái Bình, Đà; Cả La; sông Trà Khúc; Hệ thống sông Đồng Nai; nước mặt vùng Tây Nam Bộ; Vu Gia-Thu Bồn; Quan trắc môi trường tại vùng kinh tế trọng điểm kinh tế trọng điểm Phía Bắc, kinh tế trọng điểm Miền Trung, kinh tế trọng điểm Phía Nam; Quan trắc tác động của hoạt động khai thác và vận chuyển bauxite tại khu vực Tây Nguyên; Quan trắc tác động của hoạt động thủy điện tại khu vực Tây Nguyên.

[3] Căn cứ ý kiến của địa phương theo Công văn số 2136/BTNMT-TTr ngày 17/4/2020 của Bộ TN&MT về việc rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức là đối tượng trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT (tính đến ngày 19/5/2020, có 40 địa phương có ý kiến gửi về Bộ)

[4] Như: Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại KKT Dung Quất, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Hậu Giang và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tằng Loỏng, Lào Cai; các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Thái Nguyên; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất; Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn.