Xử lý ô nhiễm tồn lưu, cải tạo và phục hồi môi trường, cải thiện môi trường không khí tại các thành phố lớn

Tin tức - Sự kiện 29/08/2020

Cải tạo, phục phồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các "điểm nóng" về ô nhiễm. Bộ Quốc phòng đã khởi công triển khai thực hiện dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1 xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa[1] từ nguồn vốn ODA không hoàn lại và vốn đối ứng của Việt Nam[2]; tổ chức lập hồ sơ dự án xử lý đất ô nhiễm tại khu vực sân bay A Sho, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; tiếp tục điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm chất diệt cỏ chứa dioxin và asen tại một số sân bay dã chiến; thu gom và xử lý 13,68 tấn chất độc CS và 100 m3 đất nhiễm chất độc CS tồn lưu; ký bản Ghi nhận ý định và Bản Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để tổ chức thực hiện dự án Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam ở 08 tỉnh bị phun rải chất độc da cam từ nguồn ngân sách ODA không hoàn lại (65 triệu đô la Mỹ)[3].

Bộ TN&MT cùng với các địa phương đã hoàn thành việc cải tạo phục hồi 60/240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tại Phụ lục 1 của Quyết định số 1946/QĐ-TTg rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi Quyết định số 1946/QĐ-TTg, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV năm 2020.

Việc khắc khục ô nhiễm cải thiện môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng[4] đã được quan tâm, đầu tư, tuy nhiên, chưa thật quyết liệt và triệt để: Đến nay, có 02/47 làng nghề đã hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm[5]; 23/47 làng nghề đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa xử lý xong ô nhiễm; 09/47 làng nghề chưa có dự án nhưng tự thu hẹp quy mô, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động và về cơ bản không còn ô nhiễm; 13/47 làng nghề chưa có dự án xử lý ô nhiễm môi trường.

Cải thiện ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn

Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí; trong đó tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của TTgCP phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm không khí tại Tờ trình số 28/TTr-BTNMT ngày 20/7/2020; tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi; tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác, rơm rạ sau thu hoạch; tăng cường tần suất quan trắc để kịp thời đưa ra cảnh báo cần thiết đối với người dân. Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải như kiểm định khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành; chứng nhận đạt mức tiêu chuẩn khí thải; chứng nhận về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong giám sát đóng mới tàu biển và tàu biển đang khai thác; chứng nhận về BVMT cho phương tiện thủy nội địa[6]. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành các chỉ thị, quy định và tổ chức các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát các nguồn thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp; riêng, Tp. Hà Nội cũng thực hiện công bố và cảnh báo về chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử[7].

 


[1] Quyết định số 425/QĐ-TTg ngày 17/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Công văn số 829/BQP-KHQS ngày 10/3/2020 của Bộ Quốc phòng.

[3] Công văn số 829/BQP-KHQS ngày 10/3/2020 của Bộ Quốc phòng.

[4] Theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môỉ trường giai đoạn 2012 - 2015 tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

[5] Bao gồm: Làng nghề bún Vân Cù và làng nghề bún Ô Sa, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

[6] Cụ thể, trong năm 2019 đã kiểm định khí thải đối với 1.581.920 lượt xe ô tô động cơ xăng và 1.687.94 lượt xe ô tô động cơ diesel đang lưu hành; chứng nhận đạt mức tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro 3 cho 3.270.874 xe mô tô, xe gắn máy; chứng nhận đạt mức tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro 4 cho 444.648 xe ô tô hạng nhẹ và hạng nặng; chứng nhận về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong giám sát đóng mới 22 tàu biển; cấp 293 giấy chứng nhận về ngăn ngừa ô nhiễm không khí, ngăn ngừa ô nhiễm do dầu và ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải cho tàu biển đang khai thác; chứng nhận về BVMT cho 55.153 lượt phương tiện thủy nội địa (Công văn số 3733/BGTVT-MT ngày 20/4/2020)

[7] Tại địa chỉ moitruongthudo.vn