Thực trạng về chính sách xây dựng, quản lý, kết nối chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường

Tin tức - Sự kiện 29/08/2020

Ngành tài nguyên môi trường là một ngành được Chính phủ rất quan tâm trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Việc phê duyệt chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành các quy định về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường khá sớm so với các ngành các lĩnh vực khác.

Trong công tác quản lý chuyên ngành, các Luật liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường đã được ban hành tương đối đầy đủ và toàn diện, bên cạnh đó ngành tài nguyên môi trường là một ngành được Chính phủ rất quan tâm trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, việc phê duyệt chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành các quy định về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường khá sớm[1] so với các ngành các lĩnh vực khác. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14/06/2017 về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định này. Đến nay kết quả sơ bộ như sau:

Các thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường đã được tổ chức thành cơ sở dữ liệu và phần nào đã phục vụ yêu cầu quản lý, nghiệp vụ. Tuy nhiên việc cập nhật, sử dụng còn hạn chế, đặc biệt việc tiếp cận, cung cấp, khai thác thông tin, dữ liệu còn nhiều khó khăn.

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, phục vụ phát triển KT-XH do các khó khăn khách quan sự quan tâm, đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu.

Trong Nghị định số 73/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương về thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ và sử dụng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường. Việc quy định về việc thu thập, cập nhật, quản lý và chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường mới chỉ được ban hành một cách riêng lẻ theo công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương nên gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường còn gặp một số khó khăn, vướng mắc bao gồm:

Thứ nhất, thiếu các quy định pháp lý triển khai bao gồm chưa có các quy định cụ thể cách thức thu thập, cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng thông tin trong CSDL TNMT, chưa có quy định đầy đủ về giá trị pháp lý của dữ liệu và vai trò của CSDL TNMT trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức cá nhân. Cần xây dựng, ban hành Quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Quy chế quy định kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương theo Luật Công nghệ thông tin;

Thứ hai, thiếu các quy định kỹ thuật phục vụ kết nối, khai thác thông tin: Hiện nay, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản trong CNTT đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017. Tuy nhiên, đây mới là các tiêu chuẩn cơ bản làm nền tảng để kết nối cho các HTTT nói chung. Để triển khai cụ thể kết nối CSDL TNMT cần thiết xây dựng thêm các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định hướng dẫn về việc quản lý chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin của bộ, ngành địa phương; Xây dựng bổ sung những quy định kỹ thuật tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật kết nối liên thông cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; Xây dựng các quy định kỹ thuật tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường với các hệ thống thông tin các bộ, ngành, địa phương.

 Thứ ba, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường rất lớn, cần phải xây dựng, kết nối đồng bộ ở Trung ương và địa phơng nhưng chưa được các cấp quan tâm đúng mức, nguồn lực giành cho xây dựng cơ sở dữ liệu còn hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, chưa phát huy được hiệu quả. Chính phủ cần có chính sách ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng, kết nối đồng bộ dữ liệu tài nguyên và môi trường bảo đảm là nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử và phát triển kinh tế xã hội.


[1] Quyết định số 179/2004/QÐ-TTg ngày 06/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phê duyệt Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và Nghị định số Nghị định số 102/2008/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường