Tăng cường quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu quốc gia

Tin tức - Sự kiện 08/09/2020

Đề án được triển khai nhằm tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường việc quản lý nhà nước đối với việc xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trong đó, tập trung vào công tác định hướng ưu tiên triển khai, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng và xây dựng các hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh việc khai thác, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống thông tin của các bộ, ban ngành địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các TTHC cho người dân, doanh nghiệp, giảm các giấy tờ trong quá trình giải quyết TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Giai đoạn 2016- 2018: Rà soát và hoàn thiện nền tảng pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo cho việc phân định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan khi xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, quyền và trách nhiệm trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; Xác định rõ đặc tính và phạm vi của các cơ sở dữ liệu quốc gia bằng việc thiết lập và hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phương án kỹ thuật liên quan một cách đồng bộ phù hợp với khả năng và nhu cầu về quản lý, khai thác dữ liệu dùng chung của các Bộ, ngành, địa phương; Đưa vào vận hành ban đầu ít nhất 3 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Giải quyết căn bản các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương có phạm vi chồng lấn dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Giai đoạn 2018-2020

Đến năm 2020, hình hành nền tảng phát triển chính phủ điện tử vững chắc trên cơ sở trọng tâm là các cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên triển khai và các cơ sở dữ liệu quan trọng khác.

Tất cả các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương có thể kết nối, truy cập tự động vào các cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác dữ liệu dùng chung. Các cơ sở dữ liệu khác của các Bộ, ngành, địa phương thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia và không phát sinh mâu thuẫn về thông tin.

Các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ hành chính công được xây dựng sử dụng nền tảng là khai thác thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ giảm thiểu thủ tục hành chính, giấy tờ có liên quan đến nội dung thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia; các cơ quan nhà nước không cần trao đổi qua văn bản các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia và thay vào đó là khai thác trực tiếp cơ sở dữ liệu quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan.

Đề án nhằm thống nhất cho việc quản lý đồng bộ và nhất quán đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia đã hoàn thành việc xây dựng và đang tổ chức vận hành cũng như các cơ sở dữ liệu quốc gia đang trong giai đoạn triển khai xây dựng.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc phạm vi của Đề án bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định trong Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 về việc Ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác được ghi trong các văn bản quy phạm pháp luật: Luật, Nghị định, Nghị quyết Chính phủ, Quyết định Thủ tướng Chính phủ; Trong đó ngành tài nguyên và môi trường có 3 cơ sở dữ liệu quốc gia phải hoàn thành: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.