Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Tin tức - Sự kiện 15/09/2020

Đề án phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được đề xuất xây dựng dựa trên các căn cứ pháp lý liên quan tới quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và nghĩa vụ tài chính đối với các đối tượng phát sinh khí thải.

Quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Các căn cứ pháp lý về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải gồm: 

Luật Phí và Lệ phí năm 2015 quy định danh mục phí bảo vệ môi trường tại Mục A.IX.1, Phụ lục số 01, bao gồm: (1). Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; (2). Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; (3). Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; (4). Phí thẩm định báo cáo ĐTM, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; (5). Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung. Trong đó, Luật giao Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. 

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014  quy định chung về phí bảo vệ môi trường tại Điều 148 như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.

2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau: a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường; b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường; c) Sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Mức phí bảo vệ môi trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

4. Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường.”.

Quy định về nghĩa vụ tài chính đối với các đối tượng phát sinh khí thải

Các căn cứ pháp lý quy định về nghĩa vụ tài chính đối với các đối tượng phát sinh khí thải gồm: 

Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010:

Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định “Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”.

Theo Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thuế bảo vệ môi trường được thu vào các loại sản phẩm, hàng hóa sau: (1). Xăng, dầu, mỡ nhờn (xăng, nhiên liệu bay, dầu DO, dầu hỏa, dầu FO, dầu nhờn, mỡ nhờn); (2). Than đá (than nâu, than Antraxit, than mỡ, than đá khác); (3). Dung dịch HCFC; Túi nilong thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ; thuốc trừ mối; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trùng khi thuộc loại hạn chế sử dụng.

Do vậy, các nguồn phát sinh khí thải di động (là các phương tiện giao thông) khi sử dụng nhiên liệu xăng, dầu, mỡ nhờn đã chịu bảo vệ môi trường. Đối với các nguồn cố định, khi sử dụng các loại nhiên liệu, nguyên liệu (xăng, dầu, than đá) trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng đã chịu thuế bảo vệ môi trường đối với nguyên, nhiên liệu đầu vào. Việc áp dụng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải cần loại trừ các đối tượng này để tránh trường hợp “phí chồng thuế”, gây tác động xấu trong dư luận xã hội và có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành:

Khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường quy định “Chất thải là vật chất được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định “Khí thải công nghiệp là chất thải tồn tại ở trạng thái khí hoặc hơi phát sinh từ hoạt động sản xuất, dịch vụ công nghiệp”;

Khoản 3 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường quy định “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải”;

Khoản 4 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường quy định “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải”. Phụ lục I Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) đã quy định danh mục cụ thể đối với 11 nguồn khí thải có lưu lượng lớn; các đối tượng này phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát (08 thông số cố định và các thông số đặc thù khác theo từng loại hình).

Khoản 1 Điều 47 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) quy định đối tượng, tần suất thực hiện quan trắc khí thải định kỳ.

Do vậy, các nguồn phát sinh khí thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang được các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại Trung ương và địa phương thống kê, theo dõi, giám sát. Đây là một trong các căn cứ để xác định đối tượng thu, phương thức thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải khi triển khai thực hiện.