Kinh nghiệm quốc tế trong việc thu thuế, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Tin tức - Sự kiện 04/09/2020

Nhiều quốc gia trên thế giới đang quy định nghĩa vụ tài chính đối với các đối tượng phát sinh khí thải.

Một số nước châu Âu, châu Mỹ và nước phát triển ở Châu Á

Một số quốc gia đang quy định nghĩa vụ tài chính đối với các đối tượng phát sinh khí thải được tổng hợp tại bảng sau:

Lĩnh vực

Công cụ

Ví dụ điển hình

Giao thông

Thuế đăng ký xe dựa trên phát thải CO2

Pháp, Thái Lan: Car registration tax

Singapore: Vehicle quota system

Thuế lưu thông hàng năm

Tây Ban Nha: Mechanical vehicle circulation tax

Phí/thuế đường bộ

Anh: Road toll London

Singapore: Electronic road pricing

Mỹ, Đức, Thụy Sỹ: Mileage taxes

Thuế phương tiện

Thụy Điển: Vehicle tax

Phí đậu xe

Singapore: Parking fee

Phí phát thải khí thải

Mỹ: Air permit fees (thực hiện cùng giấy phép phát thải)

Thương mại giấy phép

Châu Âu: EU emissions trading scheme

Năng lượng

Thuế nhiên liệu giao thông

Đức, Đan Mạch, Thụy Điển: Energy tax

Thái Lan: Transport fuel taxation, Tax differentiation (thất bại)

Châu Âu, Mỹ: Fuel taxes

Thuế đốt nhiên liệu

Ấn Độ: Coal cess

Thuế trên năng lượng sử dụng cho phát điện và thuế tiêu dùng điện

Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, …: Energy tax

Carbon

Thuế đánh trên hàm lượng CO2 trong các nguồn năng lượng

Đức: Energy tax

Thuế phát thải CO2

Canada: CO2 tax

Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Mexico, Chile, Ấn Độ, Trung Quốc: Carbon tax

Sàn giá carbon

Anh: Carbon price floor

Giấy phép phát thải

Mỹ: Regional greenhouse gas initiative

Châu Âu: EU emission trading scheme

Trung Quốc, Kazakhstan: Pilot CO2 Emission trading schemes

Không khí/Công nghiệp

Thuế/phí ô nhiễm không khí đánh trên SO2, VOC, NOx, SO2, PM, NH2, NH3, TCE, kim loại nặng, ...

Cộng Hòa Séc: Air pollution charge

Thụy Điển: Aviation tax

Pháp, Ý: NOx charge/fee

Nhật Bản: SO2 levy, Compensation law

Châu Âu: Sulfur tax

Tây Ban Nha: NOx, SOx tax

Thụy Điển: SO2 tax, NOx charge

Đức: Green tax

Na Uy: TCE tax

Thương mại khí thải

EU: Emissions trading system

Mỹ: Sulfur trading scheme, NOx tradable permits

Chile: PM cap-and-trade (thất bại)

Thanh toán hoàn trả phát thải

Thụy Điển: Refunded emission payments (NOx, TCE)

Trung Quốc: Refunded emission payments (SO2)

Nguồn: ESCAP (2017)[1], OECD (2017a)[2], OECD (2017b)[3], SEPA (2007)[4], Schlegelmilch et al. (2016)[5], Sterner & Coria (2012)[6].

Các trường hợp nêu tại bảng trên được đánh giá là thành công trong việc đạt mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, tạo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không thành công đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Theo ESCAP (2017) và Sterner và Coria (2012) thì vấn đề ở các nước đang phát triển có thể được tóm tắt như sau:

- Việc thu phí môi trường ở các quốc gia đang phát triển gặp phải các vướng mắc sau đây: (1)  Cách thiết lập phí ô nhiễm thường không giống như bất kỳ giáo trình kinh tế học nào (vừa kết hợp giữa tiêu chuẩn phát thải và thanh toán hoàn trả phát thải); (2) Mức phí tương đối thấp và thường không bao hàm được đầy đủ các chi phí cung cấp dịch vụ bao gồm thiệt hại môi trường và các chi phí vận hành của chính quyền trung ương, địa phương hoặc các công ty nhà nước; (3) Thuế môi trường được gán nhãn phí hoặc lệ phí để được chuyển vào một quỹ môi trường, nhưng mô hình hợp thức hóa này được các chuyên gia đánh giá là không thành công;

- Việc thu thuế môi trường: (1) Các thuế môi trường tập trung vào tăng nguồn thu hơn là tạo lợi ích kép; (2) Mức thuế thấp (không phải ánh đầy đủ chi phí thiệt hại biên) để tăng tính khả thi về mặt chính trị; (3) Tỷ lệ trốn thuế cao vì ‘văn hóa không tuân thủ pháp luật’ còn phổ biến; và (4) Thuế môi trường thường không làm tăng giá các hàng hóa có hại cho môi trường bởi vì chính sách khác biệt hóa về thuế năng lượng.

Kinh nghiệm cụ thể tại Trung Quốc (thu thuế bảo vệ môi trường đối với khí thải)

Trung Quốc bắt đầu thu thuế bảo vệ môi trường đối với khí thải từ 01/01/2018 theo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với khí thải tại Trung Quốc có một số đặc điểm như sau:

Đối tượng thu: không thu đối với người dân; chỉ thu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Thông số tính thuế: Trung Quốc quy định 44 thông số ô nhiễm trong khí thải để thu thuế, trong đó có SO2, NOx, CO, bụi C, chì,… với mức thuế tương ứng với từng thông số từ 1,2-12 Nhân dân tệ.

Cách tính thuế: lựa chọn 03 thông số có mức độ ô nhiễm cao nhất của nguồn thải để tính tổng số thuế phải nộp. Kết quả triển khai cho thấy có 03 thông số thường xuyên được sử dụng để tính mức thu thuế là bụi, SO2 và NOx.

Các trường hợp được miễn, giảm thuế: Trung Quốc quy định 05 trường hợp được miễn thuế (trong đó có đối tượng là các phương tiện giao thông, hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ, các cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt xả khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật,…); 02 trường hợp giảm thuế là khi nồng độ ô nhiễm dưới mức quy chuẩn cho phép là 30% (chỉ nộp mức thuế tương ứng là 75% số thuế phải nộp); dưới mức quy chuẩn cho phép là 50% (chỉ nộp mức thuế tương ứng là 50% số thuế phải nộp). Cách tính thuế đối với trường hợp miễn, giảm thực hiện thông qua thiết bị quan trắc tự động, liên tục được cơ sở lắp đặt (là số liệu quan trắc tự động trung bình 01 giờ trong tháng hoặc trung bình trong cả tháng; tính đối với từng ống thải).

Kết quả thu thuế bảo vệ môi trường đối với khí thải tại Trung Quốc sau 09 tháng triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm SO2 là 22,7% và NOx là 13,1%.

Kinh nghiệm cụ thể tại Hàn Quốc (thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải)

Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, phí xả thải được ban hành nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiệt hại cho môi trường khí quyển, gây ra bởi các chất ô nhiễm không khí. Có hai loại phí xả thải gồm: (1) Phí cơ bản: Áp dụng cho bất kỳ chủ thể là đối tượng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí tuân thủ các mức phát thải cho phép, dựa trên số lượng, nồng độ, v.v. của các chất ô nhiễm đó phát ra; Các chất ô nhiễm áp dụng là SOx và bụi; (2) Phí vượt ngưỡng: Áp dụng cho bất kỳ chủ thể nào thải ra các chất gây ô nhiễm không khí tuân thủ vượt ngưỡng mức phát thải cho phép, dựa trên số lượng, nồng độ, v.v. của các chất ô nhiễm đó phát ra; Các chất ô nhiễm áp dụng là: SOx, NH3, CS2, bụi, Hợp chất florua, HCl, Clo, HCN.

Phí xả thải dựa trên các tiêu chí sau: (i) vượt ngưỡng phát thải, (ii) loại chất ô nhiễm, (iii) hình thức phát thải chất ô nhiễm, (iv) khối lượng phát thải, (iv) bất kỳ vấn đề nào khác theo quy định của của Bộ Môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí hoặc cải thiện môi trường khí quyển.


[1]ESCAP (2017). Environmental Tax Reform in Asia and the Pacific, www.unescap.org/sites/default/files/S2_Environmental-Tax-Reform.pdf.

[2] OECD (2017a). OECD Policy Instruments for the Environment, http://www.oecd.org/environment/tools-evaluation/PINE_database_brochure.pdf

[3] OECD (2017b). Environmental fiscal reform: Progress, prospects and pitfalls.

[4] Swedish Environmental Protection Agency (SEPA). (2007). Economic instruments in environmental policy.

[5] Schlegelmilch, Kai, Ludewig, Damian, Wang, Shannon, Cottrell, Jacqueline (2016): Reforming and introducing green fiscal instruments for green growth delivery in Lao PDR.

[6] Sterner, T, Coria, J. (2012). Policy instruments for environmental and natural resource management. Second Edition. RFF Press