Bối cảnh thế giới và các thách thức đối với ngành tài nguyên và môi trường

Tin tức - Sự kiện 09/08/2020

Bối cảnh thế giới đặt ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành tài nguyên và môi trường.

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo  trong thời gian tới. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Cạnh tranh giữa các quốc gia diễn ra gay gắt và trên nhiễu lĩnh vực (kinh tế, chính trị và quân sự), xu hướng bảo hộ thương mại nội địa đang nổi lên. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới tiếp tục là những vấn đề toàn cầu trong giai đoạn tới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế toàn cầu. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Kinh tế số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới; tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp tiếp tục được các nước triển khai thông qua phát triển năng lượng sạch, cac-bon thấp và phát triển bao trùm. Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững của Liên hợp quốc với 17 mục tiêu (SDGs) sẽ là những trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trong thời gian tới.

Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới trong giai đoạn 10 năm tới (2021-2030).

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã ký, trở thành khung khổ pháp lý mang tính chất quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề giảm phát thải khí nhà kính. Kể từ năm 2021, các quốc gia đã thông qua Thỏa thuận, trong đó có Việt Nam bắt buộc thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã đề cập trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Mặc dù hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, gay gắt; chủ nghĩa dân túy, bảo hộ có xu hướng tăng lên; sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó lường.

Xu thế phát triển các siêu đô thị và đô thị thông minh ngày càng gia tăng. Cạnh tranh giữa các đô thị trong việc trở thành các trung tâm giao dịch tài chính, đổi mới sáng tạo và thành phố đáng sống ngày càng lớn.

Thách thức về an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gia tăng, tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong giai đoạn 10-20 năm tới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là vùng Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu.

Dịch bệnh, đặc biệt là dịch viêm phổi cấp (Covid-19) đang diễn ra ở phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển, lưu thông hàng hóa cũng như trọng tâm hợp tác giữa các quốc gia trong thời gian tới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc huy động, ưu tiên các nguồn lực cho quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, sẽ ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của từng quốc gia.