Thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý TN&MT từ Trung ương đến địa phương cũng như sự tham gia của toàn xã hội

Tin tức - Sự kiện 19/09/2020

Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường sẽ hướng đến việc thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan cũng như sự tham gia của toàn thể xã hội nhằm góp phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới.

Sau 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và xã hội. Tăng trưởng kinh tế được duy trì, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, đất nước đã ra khỏi nhóm nước nghèo, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Tình hình chính trị được duy trì ổn định; công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động còn thấp. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học tiếp tục là các thách thức đối với phát triển bền vững ở nước ta.

Chủ trương của Đảng trong thời gian tới cần phải thực hiện “phát triển nhanh và bền vững”, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là đột phá cơ bản; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước; tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Chính phủ kiên định với mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục đầu tư kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời, không hy sinh môi trường vì các lợi ích kinh tế và sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Hạ tầng đáp ứng cho phát triển kinh tế-xã hội vẫn là nhiệm vụ trọng tâm tác động tới phát triển ngành, trong đó có hạ tầng kỹ thuật cho quản lý khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo áp lực lớn về nhu cầu hạ tầng, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cung cấp nước, xử lý chất thải và không gian xanh đô thị. Tính thượng tôn pháp luật, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường như quản lý đất đai, khai thác khoáng sản,... Việc hiểu và thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách trong nhiều trường hợp khác nhau dẫn đến việc vận dụng sai công cụ pháp luật dẫn đến hậu quả về kinh tế và xã hội.

Cơ chế đánh giá cán bộ chưa phù hợp, chưa xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ. Chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi đôn đốc thực hiện thực thi công vụ, nhất là các cấp cơ sở. Bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương thuộc ngành tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập, chưa tinh gọn, hiệu quả quản lý cần xem xét đánh giá lại, cách thức quản lý còn nặng về hành chính, áp đặt chưa đáp ứng sự vận hành của thị trường sẽ có những ảnh hưởng đến hiệu quả của các công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sẽ dẫn đến những thay đổi về hành vi con người, nhận thức, văn hóa và tiêu dùng trong nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó làm việc từ xa, làm việc ở nhà đang trở thành xu hướng. Cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu lớn về tài nguyên và môi trường sẽ được phải xây dựng và sử dụng phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó có quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Công nghệ và phương thức quản lý nhà nước cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới. Đặc biệt là tính minh bạch và giải trình thông tin về tài nguyên và môi trường cho các bên liên quan.

Hội nhập quốc tế tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại quốc tế nhưng cũng chứa đựng nhiều rào cản, thách thức về công nghệ, quản lý và cả các áp lực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Đặc biệt là các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.

Nhu cầu về đất đai, tài nguyên khoáng sản, nước và năng lượng cho phát triển sẽ gây ra nhiều áp lực lên tài nguyên và môi trường. Tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tiếp tục gia tăng các áp lực về ô nhiễm môi trường, suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên do chất thải từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn và sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng vẫn có thể tạo ra những cơ hội cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có chuyển đổi năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời,... và thúc đẩy phát triển nền kinh tế các-bon thấp, mô hình kinh tế tuần hoàn,...

Với tính cấp thiết như trên, Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường được xây dựng trên cơ sở kế thừa các Chiến lược của các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường đã được phê duyệt và định hướng lớn của Đảng (đặc biệt là Nghị quyết số 24/NQ-TW ban hành ngày 03 tháng 6 năm 2013 tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hàng Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường), của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và xu hướng chuyển đổi mô hình, cách thức quản lý tài nguyên và môi trường của các quốc gia trên thế giới. Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường, vì vậy sẽ hướng đến việc thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan cũng như sự tham gia của toàn thể xã hội nhằm góp phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới.