Nghiên cứu kiến nghị xây dựng Luật Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam

Tin tức - Sự kiện 06/08/2020

Bộ TN&MT nhận được đề nghị, kiến nghị xây dựng luật của Đại biểu Quốc hội, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kiến nghị xây dựng Luật Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam. 

Hiện nay, nội dung bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp đã được quy định tại các văn bản pháp luật như: Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Thủy sản năm 2017; Luật Đầu tư năm 2014, Bộ Luật hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2017. Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học đã quy định cụ thể các nội dung bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Chương IV về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật (bao gồm: Mục 1 quy định về bảo vệ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại các điều từ Điều 37 - Điều 41; Mục 2 quy định về phát triển bền vững các loài sinh vật tại các điều từ Điều 42 - Điều 47).

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cần thống nhất với quy định Luật Đa dạng sinh học. Đồng thời, những điều chỉnh, bổ sung mới cần có sự đánh giá, tổng kết tình hình thực tiễn của hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá sự phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và nghiên cứu đề xuất phương án sửa đổi Luật này nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của văn bản theo hướng thống nhất quản lý, bảo tồn các loài sinh vật (đặc biệt, trong đó có các loài động vật, thực vật nguy cấp) và các thành phần khác của đa dạng sinh học. Bộ sẽ nghiên cứu các ý kiến của Đại biểu trong quá trình sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008.